Thông tin trên được bác sĩ Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP HCM chia sẻ tại hội nghị khoa học kỹ thuật do Bệnh viện Tai mũi họng TP HCM tổ chức ngày 16-12.
Theo bác sĩ Minh, nghe kém hay còn gọi là tình trạng suy giảm thính lực là một trong những khiếm khuyết về mặt giác quan thường gặp. Bệnh ảnh hưởng nhiều đến khả năng hòa nhập cuộc sống của người mắc dị tật này, đặc biệt là trẻ em. Trẻ em nghe kém mức độ nặng thì ngôn ngữ và trí tuệ cũng kém, điều này gây nên gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.
Có rất nhiều thiết bị hỗ trợ cho công tác phục hồi chức năng nghe kém cho cả người lớn và trẻ em. Tùy thuộc vào mức độ nghe kém, dạng nghe kém mà sẽ có những thiết bị hỗ trợ nghe khác nhau như máy trợ thính, thiết bị cấy ghép đường xương; máy trợ thính đường xương, ốc tai điện tử…
Những năm gần đây, việc điều trị nghe kém đã có những bước tiến bộ lớn, trong đó có phương pháp cấy ốc tai điện tử, nhất là từ khi có ốc tai điện tử loại đa kênh. Bệnh viện Tai mũi họng TP HCM là đơn vị đầu tiên của khu vực phía Nam triển khai cấy ốc tai điện tử vào năm 1998. Sau 25 năm, đã có 700 trường hợp được cấy ốc tai điện tử.
Đặc biệt, những năm gần đây, bệnh viện đã tiến hành cấy ốc tai điện tử cho những bệnh nhân có bất thường tai trong như: bất sản hoàn toàn mê nhĩ, nang tai sơ cấp, ốc tai không phát triển….
Bên cạnh đó, mới đây, các bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện nghiên cứu, kết quả cho thấy chất lượng cuộc sống của người bệnh sau khi được cấy ốc tai điện tử cao hơn nhiều so với trước khi cấy. Trong đó, tỉ lệ nhận biết âm thanh cơ bản tăng 8,5 lần, khả năng cảm nhận âm thanh nâng cao tăng 3 lần, khả năng phát âm tăng 4,8 lần, khả năng tương tác xã hội tăng 3,2 lần…
Bình luận (0)