Đến sáng nay 13-6, anh M.H.D. (41 tuổi, ngụ quận 7) đã khá khỏe mạnh, nói được sau gần 1 tuần kể từ ca cấp cứu ngoạn mục. Anh vẫn đang được tiếp tục theo dõi tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, dự kiến ngày mai có thể rút nội khí quản.
Anh D. đã nói lại được, tuy còn hơi khó khăn do còn đặt nội khí quản
Anh D. kể lại rằng: tối ngày 7-6, anh cảm thấy khó thở, đau, ho nhiều. Nhớ rằng 20 ngày trước mình có hóc xương cá và nghĩ rằng Bệnh viện Tai Mũi Họng là đơn vị chuyên khoa đầu ngày, anh đã đến đó.
PGS-TS-BS Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng, TP HCM cho biết: theo lời kể của ê kíp trực tối ngày 7-6, khi anh D. đến quầy mua sổ và đăng ký khám ngoài giờ, các nhân viên ở đây đã nhận thấy dấu hiệu bất thường và báo cho các bác sĩ trực. Lệnh "báo động đỏ" lập tức được đưa ra, anh D. được đẩy ngay vào phòng cấp cứu và đã bắt đầu rơi vào trạng thái ngưng tim, ngưng thở, mạch và huyết áp không đo được, tím tái và tiêu tiểu không tự chủ.
PGS Trần Phan Chung Thủy đang giải thích về "thanh thiệt" và chứng viêm thanh thiệt cấp
Anh D. được xác định là bị viêm thanh thiệt cấp. Theo các bác sĩ, thanh thiệt (hay có tài liệu còn gọi là nắp thanh quản, nắp thanh môn) có thể coi là một chiếc nắp nằm ngay phía trên đường thở. Nắp này có tác dụng tạm đóng khi chúng ta nuốt thức ăn, để thức ăn không rơi vào đường thở. Khi hô hấp, nắp này mở ra. Thanh thiệt vốn chỉ mỏng như một chiếc lá, nhưng khi bị viêm cấp sẽ phù nề lên rất to, chặn toàn bộ đường thở khiến nạn nhân có thể tử vong do thiếu oxy. Thời gian kể từ khi bệnh nhân bắt đầu cảm thấy đau, khó thở đến khi ngưng thở hoàn toàn chỉ từ 30 phút đến 1 giờ. Nếu anh D. vào viện trễ hơn chỉ vài phút, anh có thể đã gặp nguy hiểm vì kể từ thời điểm ngưng thở, bệnh nhân chỉ có 4 phút "thời gian vàng". Quá thời gian này, bệnh nhân có thể tử vong, nếu có may mắn cứu sống cũng sẽ bị di chứng nặng nề do thiếu oxy não quá lâu.
Phim X-quang cho thấy thanh thiệt viêm đã phù nề rất to, khiến đường thở tắc nghẽn
Bác sĩ Nguyễn Quang Tú, trưởng tua trực ngày hôm đó cho biết: ê kíp trực lập tức tiến hành hồi sức tim phổi, mở nội khí quản, thực hiện các xét nghiệm song song với quá trình cấp cứu… Do được phát hiện sớm và được xử trí kịp thời, cuối cùng các bác sĩ đã cứu sống được anh.
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Tú, viêm thanh thiệt cấp thường do virus. Bệnh nhân có các biểu hiện ban đầu như cảm thấy đau, vướng họng, khó thở, bỗng dưng nói khàn tiếng… Khi đó, họ nên được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Bình luận (0)