Bà Nguyễn Thị Hà, trú xã Nghi Lâm, phấn khởi: "Năm nay hành tăm được giá, đầu mùa giá cao (từ 50.000 -60.000 đồng/kg), cuối mùa, giá có giảm nhưng cũng dao động từ 45.000-55.000 đồng/kg".
"Hành tăm đem lại hiệu quả cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, trồng một sào hành tăm (490 m2) một vụ thu hoạch có thể bán được từ 12-14 triệu đồng. Nhờ trồng hành tăm mà nhiều hộ nông dân đã thoát cảnh nghèo khó, có của ăn của để" - ông Lê Văn Hùng, một hộ nông dân trú xã Nghi Lâm, cho biết.
Cây hành tăm (còn gọi là hành trắng, củ nén, tên khoa học là Allium schoenoprasum - một loại thực vật thuộc họ hành) bén duyên với vùng đất Nghi Lộc khoảng 10 năm nay. Cây dần vươn lên thành một trong những cây mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định cho nông dân nơi đây. Hiện tại, ngoài xã Nghi Lâm, các xã Nghi Thuận, Nghi Văn, Nghi Kiều… có rất nhiều nông dân trồng hành tăm.
Cây hành tăm ở huyện Nghi Lộc được trồng, chăm sóc khá đặc biệt. Hành tăm có thể được trồng xen với cây ngô. Vườn hành tăm sau khi trồng được phủ một lớp lá thông và lớp trấu. Theo bà con nông dân, lá thông sạch, có độ xốp cao, cộng với trấu giúp bổ sung chất hữu cơ cho đất, tăng năng suất rõ rệt cho cây hành tăm. Do đó, tại vùng trồng hành tăm như Nghi Lâm, Nghi Thuận, Nghi Văn... lá thông được người dân "quý như vàng". Hằng năm, người dân nơi đây đều vào rừng thu gom lá thông về để ủ đất trồng hành tăm.
Theo bà Nguyễn Thị Hoan, trú xã Nghi Thuận: "Cây hành tăm được trồng hữu cơ, chăm sóc tốt, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên củ hành to tròn, nhiều tinh dầu, thơm ngon, rất được người tiêu dùng ưa thích".
Theo ông Trần Nguyên Hòa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghi Lộc, toàn huyện có khoảng 300 ha trồng hành tăm, tập trung nhiều nhất là 2 xã Nghi Thuận và Nghi Lâm. "Cây này đem lại giá trị kinh tế rất cao, bình quân mỗi vụ cho thu hoạch từ 200-250 triệu đồng/ha. Nhờ trồng cây hành tăm mà đời sống của người nông dân trên địa bàn xã khá hẳn lên" - ông Đồng Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Nghi Lâm, khẳng định.
Ông Nguyễn Bá Điệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, cho rằng khó khăn nhất hiện nay đối với việc tiêu thụ sản phẩm này là công đoạn bảo quản sau thu hoạch và đầu ra. Để giải quyết vấn đề trên, thời gian qua, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu hành tăm theo tiêu chuẩn VietGAP để tăng năng suất và giá trị cho cây hành. Hiện sản phẩm hành tăm tại 2 xã Nghi Thuận và Nghi Lâm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là yếu tố thuận lợi để thương hiệu hành tăm Nghi Lộc vươn ra thị trường.
Bình luận (0)