Trao đổi bên lề Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 của Bộ Giao thông Vận tải vào sáng 28-12, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), cho biết các hãng hàng không Việt Nam cũng hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và cạnh tranh theo thị trường vận tải hàng không nhưng trong điều kiện khó khăn các hãng có sự hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua giai đoạn này. Đây là chung sức, cùng nhau vượt khó của ngành hàng không.
Liên quan đến nguồn lực phi công Bamboo Airways dôi dư sau khi giảm quy mô đội bay, ông Lê Hồng Hà cho biết hãng sẽ có chương trình đánh giá, lựa chọn vị trí phi công phù hợp để sử dụng trong khả năng của mình.
Đánh giá tất cả các hãng bay đều gặp khó khăn và hậu quả dịch COVID-19 để lại rất nặng nề, ông Hà thừa nhận với Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco) thì có Pacific Airlines hết sức khó khăn, hãng hàng không Việt Nam thì có Bamboo Airways.
"Vietnam Airlines cũng đang tái cơ cấu nói chung, trong đó có Pacific Airlines, để đảm bảo hiệu quả nguồn lực. Hãng đã trao đổi với lãnh đạo Bamboo Airways để tìm ra sự hỗ trợ lẫn nhau trong khả năng của mình như vừa qua Bamboo Airways đã chia tay Công ty cổ phần phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) và lựa chọn Pacific Airlines lo cho dịch vụ mặt đất từ khâu check-in, bốc xếp hành lý, xe buýt chở khách trong sân đỗ, xe đẩy máy bay..."- Tổng giám đốc Vietnam Airlines thông tin thêm.
"Pacific Airlines có bộ phận làm về phục vụ mặt đất tại 3 sân bay chính là Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng. Khi Pacific Airlines tái cơ cấu thì cũng phải xử lý các hoạt động phục vụ mặt đất của mình tại các cảng hàng không đó. Bên cạnh đó, Bamboo Airways lại có nhu cầu và đây là điều kiện để Pacific Airlines vừa hỗ trợ cho Bamboo ở các công tác phục vụ mặt đất vừa tạo công ăn việc làm cho chính cán bộ nhân viên của Pacific. Đây là quá trình hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau và hết sức cần thiết"- ông Hà nhấn mạnh.
Bamboo Airways dư thừa rất nhiều lao động
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết của Cục Hàng không Việt Nam vào ngày 19-12 vừa qua, Tổng Giám đốc Bamboo Airways Lương Hoài Nam cho biết đến nay, hãng này chỉ còn 10 máy bay, gồm 7 máy bay Airbus và 3 máy bay Embraer (giảm từ 30 máy bay). Hiện hãng cũng chỉ khai thác 16 đường bay nội địa so với thời kỳ đỉnh cao có lúc lên tới hơn 60 đường bay nội địa.
Do đó, Bamboo Airways cũng đang dư thừa rất nhiều lao động, cụ thể phi công dư cả trăm người, còn tiếp viên dư khoảng 500 người.
Trước bối cảnh dôi dư nguồn lao động, lãnh đạo Bamboo Airways cho biết Vietjet Air đã nhận giúp hãng 50 tiếp viên và 20 phi công, còn Vietnam Airlines thì đang nghiên cứu. Bamboo Airways tiếp tục kêu gọi các hãng hàng không tích cực giúp hãng giải quyết lao động dôi dư.
Do đang trong quá trình tái cơ cấu, quy mô đội tàu bay của Bamboo Airways giảm từ 30 xuống còn 9 tàu bay. Hãng chỉ còn khai thác 16 đường bay nội địa so với thời kỳ đỉnh cao lên tới hơn 60 đường bay. Chưa kể, Bamboo Airways còn là "con nợ" của các đơn vị cung cấp dịch vụ như cung ứng xăng dầu, phục vụ mặt đất, suất ăn,...
Ngày 12-12, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp về xử lý kiến nghị của Bamboo Airways. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu 6 bộ, ngành: GTVT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, khẩn trương, chủ động xử lý các kiến nghị của Bamboo Airways, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả xử lý trước ngày 31-12.
Bình luận (0)