xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chăm chỉ, đoàn kết ở xứ người

Bài và ảnh: Phạm Xuân Hùng

Những chốn tôi đi qua và những người Việt tôi gặp gỡ trên đất Mỹ đều tỏ ra chân tình, cởi mở và thẳng thắn; gốc rễ thành công nhờ đức tính vượt khó, ham làm ham học

Người Việt ở đây là những ai có trong mình dòng máu Việt, họ đến và định cư trên đất Mỹ bằng những con đường khác nhau. Với tôi, có hơn một tháng trời lang thang từ miền Bắc xuống miền Nam, từ bờ Đông sang bờ Tây nước Mỹ thì không dám nói biết hết, hiểu hết cộng đồng người Việt ở xứ sở bên kia bán cầu. Chỉ là những ghi chép bên lề, đủ để thấy một vài nét về cuộc sống của những bà con, cô bác, anh em… có chung dòng máu với mình.

Chăm chỉ, đoàn kết ở xứ người- Ảnh 1.

Huntington Beach (bang Cali) nơi đông người Việt sinh sống

Tất tần tật, có cả

Hơn tháng trời phượt quanh nước Mỹ, tôi nhận ra gần như ở nơi nào cũng có người Việt định cư, không nhiều thì ít.

Những nơi tập trung đông người Việt là ở bờ Đông và vùng Trung, có thể kể đến bang California với các thành phố như San Jose, San Diego, Santa Ana, Wesminster, Los Angeles… Ở bang Texas có thành phố Houston, Arlington; bang Pennsylvania có thành phố Philadelphia. Ở bờ Tây là các thành phố lớn như Boston của bang Massachusetts, thành phố New York của bang cùng tên. Ngay như thủ đô Wasington D.C cũng có rất đông người Việt định cư.

Theo số liệu khá tin cậy, hiện người Việt định cư ở nước ngoài trên toàn thế giới có khoảng 5,5 triệu người. Số lượng người Việt định cư ở Mỹ chiếm khoảng 40% trong số đó, tức khoảng 2,2 triệu người. Con số đủ để nói lên cộng đồng người Việt ở Mỹ không chỉ tập trung ở nhiều nơi mà còn là cộng đồng lớn so với nhiều sắc dân khác cộng cư trên xứ sở cờ hoa.

Hôm đầu tiên tôi đến Mỹ, một người quen cũ là anh Võ Duy Minh, quê ở thành phố Đà Nẵng, đưa tôi dạo quanh một vòng thành phố Boston.

Minh ở một thành phố nhỏ có tên Randolph, tuy cũng thuộc bang Massachusetts nhưng cách thành phố Boston chừng hơn một giờ chạy ô tô.

Qua đây định cư từ hơn 20 năm trước, Minh lần lượt bảo lãnh anh chị em, đến giờ gần như toàn bộ gia đình, kể cả bên vợ, đều đã sang đây định cư. Thấy tôi ghé thăm nhà, Minh chỉ tay bảo: "Xung quanh đây, chỉ cách vài phút đi bộ là gia đình của mấy anh em nhà em".

Hứa Văn Thưởng, một người bạn cũ khác quê ở Quảng Nam, chở tôi đi hôm tôi ghé qua thành phố New Yor. Thưởng kể: "Khu vực em ở cũng có nhiều người Việt sinh sống, dân tứ xứ đủ cả ba miền Bắc, Trung, Nam".

Nhưng ấn tượng nhất là hôm tôi đến Litte Saigon - nơi được xem là thủ phủ của người Việt ở bang Cali (gọi tắt tên bang California). Bước chân chưa đến Khu Thương xá Phước Lộc Thọ đã thấy người Việt dạo phố, mua bán. Ngay trước cổng khu thương xá còn có mấy bác người Việt uống cà phê kiểu vỉa hè, vừa uống vừa đánh cờ tướng, cãi nhau sang sảng.

Vào sâu trong khu thương xá thấy có đến 400 gian hàng, hầu hết là của người Việt. Từ bán mỹ phẩm, thời trang, kim hoàn đá quý, thậm chí góc chợ ẩm thực cũng đều bán toàn món Việt. Liếc qua các tấm biển ghi thực đơn thấy có phở Bắc, bún bò Huế, cơm tấm miền Nam, bánh hỏi cháo lòng, đến trứng lộn, chả heo, chả bò. Tất tần tật, có cả.

Chăm chỉ, đoàn kết ở xứ người- Ảnh 2.

Gian hàng thời trang ở Khu Thương xá Phước Lộc Thọ

Cần cù, chịu khó

Có bữa, tôi ghé nghỉ qua đêm ở một thành phố nhỏ có tên là Andover, của bang Massachusetts. Anh Dũng - chủ nhà - là người gốc ở quận 1, TP HCM. Vợ anh là chị Hương, quê ở xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Anh Dũng qua đây định cư sớm, kết hôn và bảo lãnh chị Hương đi theo chừng hơn 7 năm trước. Trò chuyện suốt đêm, qua tâm sự của anh Dũng, chị Hương, tôi mới biết người Việt sang đây sinh sống đều rất cần cù, chịu khó. Khác với một số sắc dân khác thường siêng ăn, nhác làm hoặc hay vi phạm pháp luật của nước sở tại, đa phần người Việt thường sống nhẹ nhàng, chí thú làm ăn.

Xóm nhà anh Dũng không nhiều người Việt, chỉ đâu khoảng hơn 10 gia đình nhưng ai cũng có công việc ổn định. Chị Hương kể: "Ở đây, nếu đàn ông, thanh niên có nghề gì làm nghề đó, như thợ điện nước, thợ xây, sửa chữa ô tô. Những nghề này dễ có công ty thu nhận, gọi là đi làm hãng. Nếu không có nghề, chỉ lao động chân tay thì đi cắt cỏ, cào tuyết, dọn vệ sinh. Phụ nữ thì có nghề nail rất phổ biến và thu nhập khá. Không biết làm nail thì có thể giữ trẻ, giúp việc dọn nhà, phụ bán hàng". Tôi hỏi tế nhị về chuyện thu nhập, anh Dũng bảo: "Làm hãng thì ổn định hơn, thu nhập không cao nhưng đều đặn, chừng 3.000 - 4.000 USD mỗi tháng. Làm nail thì tùy tiệm và tùy tay nghề. Tiệm nào đắt khách và tay nghề cao có thể kiếm 6.000 - 7.000 USD mỗi tháng, có khi hơn. Còn lao động phổ thông thì tùy, nếu có việc đều thì cũng tầm vài ngàn USD mỗi tháng.

Thỉnh thoảng ở Việt Nam, đọc trên báo chí tôi vẫn thấy những tấm gương người Việt thành công trên đất Mỹ, ở những lĩnh vực khác nhau, từ chính trị đến kinh tế, văn hóa… Gốc rễ của sự thành công cũng nhờ đức tính vượt khó, ham làm ham học.

Điều này chứng thực qua tấm gương một người bạn cũ của tôi là anh Nguyễn Anh Uy, tên Mỹ là Uy Nguyễn. Uy quê huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Uy kể, lúc mới sang đây, dù có biết chút ít tiếng Anh nhưng anh không kiếm được việc làm tương xứng. Mấy năm đầu, anh làm nghề bỏ báo vào buổi sáng, buổi chiều bán hàng cho một công ty có chủ là người Hàn, buổi tối anh ghi danh học đại học ngành kinh tế.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Uy Nguyễn bắt đầu khởi nghiệp với giấc mơ kinh doanh. Từng bước, từng bước, công ty nhỏ của anh phát triển thành hệ thống, chiếm lĩnh thị trường. Hiện tại, anh là Tổng Giám đốc Công ty Teletron chuyên về sản phẩm điện máy, đồ gia dụng cao cấp với nhiều mặt hàng, sản phẩm độc quyền.

Uy Nguyễn cho biết hiện công ty anh có 16 chi nhánh ở các thành phố lớn của nước Mỹ, doanh số hằng năm lên đến hơn trăm triệu USD, nhân viên toàn hệ thống lên đến số ngàn.

Chăm chỉ, đoàn kết ở xứ người- Ảnh 3.

Nhà hàng Ngự Bình ở Wesminster city

Bền vững và lan tỏa

Điều làm tôi xúc động là sự đoàn kết của cộng đồng người Việt tại Mỹ.

Dẫu nghe kể có nơi này, nơi khác, nhóm kia, nhóm nọ không đồng quan điểm trong một số vấn đề. Nhưng tôi nghĩ đó chỉ là phần nhỏ trong một cộng đồng nhiều thành phần ở nơi đất khách quê người. Những chốn tôi đi qua và những người tôi gặp gỡ đều tỏ ra chân tình, cởi mở và thẳng thắn.

Tại sao tôi nói cộng đồng người Việt bền vững? Là bởi hầu hết những nơi người Việt sinh sống tập trung đều có các hội đồng hương, hội đồng hương người Việt là lớn nhất, dưới còn có các hội đồng hương cấp tỉnh, thành, có nơi còn có cả cấp huyện.

Chăm chỉ, đoàn kết ở xứ người- Ảnh 4.

Món ăn Việt ở nhà hàng Ngự Bình. Ảnh: X.H

Dịp Tết vừa rồi, thi thoảng những người bạn của tôi livestream hoặc video call cho tôi thấy sinh hoạt hội đồng hương đầu năm. Từ Hội đồng hương TP HCM ở bang Florida, Hội đồng hương Quảng Nam ở bang Cali đến Hội đồng hương Quảng Trị ở bang Massachusetts, tất cả các cuộc gặp gỡ đều ấm áp và xúc động.

Điều nữa rất đáng chú ý là nơi nào có người Việt là nơi đó có chợ Việt. Một thành phố nhỏ thôi, tên là Worcester, cách thành phố Boston chừng một giờ ô tô, có ngôi chợ Hà Tiên nằm ngay mặt phố. Hàng hóa, người bán hầu hết người Việt.

Hôm tôi ghé thấy mặt hàng phong phú, từ tôm khô, cá khô, cà phê rang xay đóng gói từ Việt Nam mang sang, cho đến bánh mì kiểu đường phố Việt Nam, thậm chí có cả bánh ít ghi rõ xuất xứ từ Bình Định. Hay như thành phố Philadelphia của bang Pennsylvania có hẳn ngôi chợ ghi tên Bến Thành (dịch sang tiếng Anh là Ben City Supermarket). Cũng như chợ Hà Tiên hay Khu Thương xá Phước Lộc Thọ, mua bán ở chợ này cũng hầu hết là người Việt.

Thứ đến là chùa và nhà thờ, tùy theo số đông theo tôn giáo nào mà cộng đồng người Việt ở đó chung tay xây dựng chùa hoặc nhà thờ. Cũng như chợ, chùa hay nhà thờ là nơi tập trung cộng đồng. Ở đó, người Việt gặp nhau, cùng gắn kết và chia sẻ.

Có thể nói, hội đồng hương (và nhiều hội đoàn khác), chợ và các điểm sinh hoạt tôn giáo đã góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Việt trên đất Mỹ. 

Rất nhiều người Việt ở Mỹ nói với tôi, điều họ nghĩ đến hằng ngày là công việc làm ăn, nhớ và mong quê hương, đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, thịnh vượng.

Uy Nguyễn kể với tôi, hiện tại anh là chủ tịch một hội giúp đỡ, hỗ trợ sinh viên gốc Việt và đồng sáng lập một số hội khác chuyên về tạo dựng các event quảng bá thời trang, ẩm thực Việt khắp các bang. Anh Uy Nguyễn bảo: "Chúng tôi lập các quỹ, chung tay ủng hộ để quảng bá và lưu giữ văn hóa Việt. Thứ nhất là để nước Mỹ thấy cộng đồng người Việt ở đây ngày càng lớn mạnh. Thứ hai, để cho thế hệ sau, tức con em gốc Việt ở đây, không quên được xứ sở cội nguồn".

Với những gì người Việt trên đất Mỹ đã và đang tạo dựng, không chỉ nước Mỹ mà hẳn cả nhiều quốc gia sẽ nhìn vào đó, để thấy những giá trị của đất nước Việt Nam lan tỏa.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo