Sàn diễn kịch nói trẻ tại TP HCM đang phát triển tích cực, hiện có đến 12 nhóm kịch trẻ với nhiều mô hình như "kịch cà phê", "kịch phòng trà", "kịch trà sữa"… Loại hình nào cũng thu hút khán giả.
Nhận được phản hồi tích cực
Các nhóm kịch trẻ diễn trên sân khấu quy mô nhỏ, chủ yếu diễn kịch ngắn hoặc tiểu phẩm, thể nghiệm vở dài khoảng 60 phút. Hiện nay, sân khấu Xóm Kịch đã được ông bầu Huỳnh Anh Tuấn tạo điều kiện để sáng đèn tại Nhà hát Nụ cười Cung Văn hóa Lao động TP HCM, nhóm kịch Gánh Nhỏ cũng nhận được sự phản hồi tích cực của giới trẻ. Các suất diễn của 3 nhóm kịch trẻ gồm Gió, Bèn Pan, Nhí Nhảnh thu hút đông khán giả.
"Các nhóm kịch trẻ đã có ý thức dàn dựng kịch nghiêm túc, có đăng ký bản quyền, tổ chức phúc khảo, mời Hội đồng Nghệ thuật Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM thẩm định, sau đó cấp phép biểu diễn. Họ dần đi vào nền nếp và tự tin gắn kết với nghề trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay" - NSND Trịnh Kim Chi cho biết.
NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, cho biết hội sẽ triển khai việc tập hợp các nhóm kịch trẻ đang hoạt động trên địa bàn thành phố, tham gia CLB các nhóm kịch trẻ trực thuộc hội, nhằm tạo mọi điều kiện để lực lượng này tìm tòi, sáng tạo những xu thế mới trong xây dựng hình tượng các nhân vật trên sân khấu.
"Các nhóm kịch trẻ sẽ được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu tại Trung tâm Bồi dưỡng Nghệ thuật sân khấu của Hội Sân khấu TP HCM. Hội đã giao cho Ban Lý luận Phê bình tập hợp các nhóm kịch trẻ, chuẩn bị kế hoạch để giúp các nhóm kịch trẻ rèn luyện nghề" - NSND Trần Ngọc Giàu thông tin.
Diễn viên Lê Hậu - đang học lớp diễn viên nâng cao của Sân khấu Kịch Hồng Vân, có thời gian tham gia nhóm kịch Tikey (quận Gò Vấp) - cho biết: "Tôi rất hồ hởi trước dự án của Hội Sân khấu TP HCM. Hiện nay nhu cầu được nâng cao nghề trong thế hệ diễn viên chúng tôi rất lớn. Được diễn, được gặp gỡ khán giả là nguồn năng lượng để chúng tôi trưởng thành. Nay lại được nghe thế hệ đi trước phân tích hướng dẫn về nghề thì cảm thấy rất phấn khởi".
Nỗ lực nâng cao chất văn học
NSND Trần Ngọc Giàu đã từng cảnh báo kịch nói đang mất dần chất văn học. Vì thế lớp diễn viên trẻ phải được xây dựng nền tảng từ chất liệu văn học để làm kịch mang tính nhân văn, không chỉ chạy theo yếu tố giải trí tầm thường, kéo thấp thị hiếu khán giả.
NSND Trịnh Kim Chi cho biết Trung tâm Bồi dưỡng Nghệ thuật sân khấu của Hội Sân khấu TP HCM sẽ cố gắng làm tốt vai trò "bà đỡ" cho các nhóm kịch trẻ, các diễn viên, đạo diễn trẻ... vừa học vừa thực hành để các bạn trẻ phát triển nghề căn cơ, bền vững hơn. Hội Sân khấu TP HCM cũng sẽ nỗ lực chăm chút nâng dần chất lượng vở diễn của các bạn trẻ theo hướng gia tăng yếu tố văn học trong các kịch bản.
NSND Trần Minh Ngọc cho biết thêm: "Hội Sân khấu có Chi hội tác giả, nơi này sẽ giúp các bạn trẻ có nguồn kịch bản phong phú hoặc sẽ giúp chỉnh sửa, góp ý để những vở diễn được hoàn thiện từ khâu kịch bản trước khi lên sàn tập".
Những người trong cuộc kỳ vọng với cách làm này sẽ giúp nâng cao chất lượng chuyên môn, thiết thực giúp các các nhóm kịch trẻ phát triển vững vàng.
Trung tâm Bồi dưỡng Nghệ thuật sân khấu (thuộc Hội Sân khấu TP HCM) là nơi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đạo diễn trẻ, diễn viên trẻ, người dẫn chương trình... Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM và Sân khấu Trịnh Kim Chi sẽ là nơi thực hành sau khi kết thúc chương trình đào tạo. Ngoài các khóa đào tạo, trung tâm còn tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề và giao lưu biểu diễn.
Bình luận (0)