Mới đây, tại phiên xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát, các cựu lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn được xác định đã biết rõ bản chất các khoản vay của bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đứng tên các công ty "ma" nhưng vẫn ký duyệt "rút ruột" ngân hàng này. Việc thành lập các doanh nghiệp (DN) "ma" trở thành thách thức lớn trong công tác quản lý.
Báo động
ThS Lưu Minh Sang, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, chia sẻ một câu chuyện khiến không ít người phải giật mình về DN "ma". Ông Sang kể một người quen của ông, là chủ một DN, khi làm thủ tục với cơ quan thuế, phát hiện mình đứng tên 2 công ty. Người quen này cho rằng thông tin cá nhân của ông đã bị ai đó giả mạo để thành lập công ty thứ hai. Điều đáng nói, công ty giả mạo dù đã ngừng hoạt động nhưng vẫn nợ thuế và thuộc nhóm DN có rủi ro cao trong quản lý, sử dụng hóa đơn. Câu chuyện "bỗng nhiên" này đã gây ra không ít rắc rối pháp lý và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của khổ chủ.
Theo ThS Sang, việc giả mạo đăng ký thành lập DN đã dẫn đến sự xuất hiện của nhiều DN "ma". Những DN này thường được thành lập thông qua các thủ đoạn lợi dụng kẽ hở pháp lý hoặc vi phạm pháp luật, không có trụ sở hay nhân sự thực tế, chỉ tồn tại trên giấy tờ.
"Khi DN "ma" trở thành vấn nạn sẽ gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho môi trường kinh doanh và xã hội, làm tăng gánh nặng quản lý, thất thu thuế và tạo ra sự cạnh tranh không công bằng với các DN chân chính. Sự hiện diện của DN "ma" cũng làm mất cân đối trong cơ cấu kinh tế và ảnh hưởng đến hiệu quả của các chính sách kinh tế, tài chính, đồng thời gây bất an cho người dân" - ThS Sang nhấn mạnh.
Liên quan vấn đề này, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP HCM hiện đang điều tra một vụ án liên quan đến 168 DN "ma" mua bán hóa đơn trái phép trên địa bàn. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định bị can Hoàng Phi và đồng phạm đã thành lập 168 công ty từ năm 2020 đến tháng 5-2024 để cung cấp hóa đơn cho nhiều DN trên toàn quốc, với chi phí dao động từ 1,8% - 2,1% giá trị hàng hóa dịch vụ trước thuế. Những công ty này thực tế không kinh doanh mà chỉ nhằm thu lợi bất chính.
Đây là một ví dụ điển hình của việc lợi dụng những lỗ hổng trong quy trình thành lập và quản lý DN. Vấn đề này cũng được phơi bày trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Thái Luyện, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba, đứng sau. Để phục vụ cho việc kinh doanh, lừa đảo số tiền đặc biệt lớn từ 4.548 người trên cả nước, chỉ trong vòng 1 năm, Luyện chỉ đạo thành lập 22 pháp nhân hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Những pháp nhân này do người thân của Luyện (như em ruột và vợ) và một số nhân viên Công ty CP Địa ốc Alibaba đứng tên làm đại diện pháp luật. Khi bị tòa án xét hỏi, các đại diện này đều khai nhận rằng họ làm theo chỉ đạo của Luyện mà không thực sự hiểu rõ về các hoạt động pháp lý của DN.
Giám sát chặt chẽ
Theo ThS Sang thủ tục đăng ký thành lập DN hiện nay đơn giản. Vì vậy dẫn đến một số cá nhân, tổ chức lợi dụng để thành lập DN "ma" thực hiện hành vi bất chính. Quy trình đăng ký và công tác hậu kiểm thiếu sự chặt chẽ, tạo ra kẽ hở cho hành vi giả mạo.
ThS Nguyễn Thị Phương Thảo, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, nhận định pháp luật hiện chưa quy định cụ thể việc giám sát DN mới thành lập, song đã có hành lang pháp lý chung về quản lý nhà nước cho mọi DN, gồm Luật DN 2020 (sửa đổi 2022), Luật Quản lý thuế 2019 và các văn bản hướng dẫn. Theo đó, trách nhiệm giám sát DN thuộc về sự phối hợp giữa các bộ, ngành, trong đó chủ yếu là cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý thuế. Căn cứ các quy định hiện hành, 2 cơ quan này có thẩm quyền giám sát, hủy mã số thuế, xử phạt và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký của DN vi phạm.
ThS Thảo nhấn mạnh việc tăng cường các biện pháp giám sát DN là vô cùng cần thiết, nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự vụ án Vạn Thịnh Phát. Tuy nhiên, hiện nay các quy định quản lý vẫn còn khá chung chung, chỉ nêu nhiệm vụ và quyền hạn giám sát của cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế, chưa rõ ai sẽ chịu trách nhiệm và mức độ trách nhiệm.
"Cần quy định rõ cơ chế "hậu kiểm" với các nội dung cụ thể như: chủ thể giám sát, nội dung và thời gian kiểm tra định kỳ hay đột xuất, cũng như hình thức xử phạt đối với tập thể, cá nhân không hoàn thành trách nhiệm" - ThS Thảo nhấn mạnh.
Theo ThS Thảo, những người đứng tên đại diện cho DN hay chỉ là người quản lý trên danh nghĩa dù không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh nhưng vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ theo điều 13, 71, 165... Luật DN 2020. Nếu không, phải bồi thường thiệt hại cho công ty, cổ đông cũng như chịu trách nhiệm trước nhà nước.
Đặc biệt, về trách nhiệm hình sự, điều 75 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại trong một số tội phạm như trốn thuế, buôn lậu, rửa tiền... và tại khoản 2 khẳng định rằng "việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân".
"Như vậy, những người đứng tên thay làm người đại diện theo pháp luật, người quản lý DN tùy theo hành vi và mức độ có thể gánh chịu các trách nhiệm hành chính, dân sự và cả hình sự trong trường hợp có hành vi vi phạm" - ThS Thảo cho biết.
Thực hiện cơ chế "tiền đăng, hậu kiểm"
Để giải quyết vấn nạn DN "ma", ThS Sang cho biết cần sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin khi đăng ký thành lập DN, giúp ngăn chặn hành vi giả mạo. Cùng với đó, áp dụng công nghệ blockchain để bảo đảm tính minh bạch và chống chỉnh sửa thông tin gian lận.
Đối với việc ủy quyền thành lập DN, cần có quy định yêu cầu người ủy quyền xác thực điện tử và thông báo kết quả qua số điện thoại cá nhân. Thực hiện cơ chế "tiền đăng, hậu kiểm" và chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan liên quan sẽ giúp tăng cường công tác hậu kiểm và quản lý. Việc chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành và cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN cần được thực hiện đồng bộ và hiệu quả để ngăn ngừa các DN "ma".
Bình luận (0)