Nhất là trong bối cảnh hình thức kinh doanh trực tuyến phát triểnmạnh mẽ như hiện nay, với nguồn thu có thể nói là rất lớn.
VneID là ứng dụng công dân số quốc gia, trong đó có đầy đủ dữ liệu như CCCD, địa chỉ hoặc thông tin cá nhân liên quan khác. Vì vậy, nếu định danh được người bán hàng trên sàn thương mại điện tử thông qua VneID sẽ giúp cơ quan quản lý xác minh thông tin người bán hàng online; ngăn chặn tình trạng giả danh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và đặc biệt là chống thất thu thuế.
Tuy nhiên, vấn đề cần bàn là kết nối dữ liệu VneID với các sàn thương mại điện tử như thế nào? Việc này hoàn toàn có thể làm được song cần có lộ trình, cách thức triển khai rõ ràng.
Trước hết, cần hoàn thiện các văn bản pháp lý cho phép chia sẻ dữ liệu, kết nối thông tin và bảo mật dữ liệu người dùng. Đó chính là lý do mà Chính phủ mới đây yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử nhằm định danh người bán hàng online thông qua VneID.
Việc áp dụng định danh qua VneID cần làm sớm song cũng cần có lộ trình cụ thể để tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh nói chung, nhất là đối với những người bán hàng không rành về công nghệ, còn lúng túng khi cập nhật thông tin và thực hiện định danh. Vậy lộ trình bao lâu là hợp lý? Theo tôi, cần thời gian 90-180 ngày kể từ khi có quyết định áp dụng - để người bán hàng có thể điều chỉnh, cập nhật thông tin - trước khi triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước.
Việc định danh người bán hàng bằng VneID có ý nghĩa lớn và rất quan trọng để phát triển lành mạnh thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam. Song cũng có một bài toán cần tính tới là chỉ người Việt Nam mới có tài khoản định danh trên VneID, còn người nước ngoài thì không. Trong khi đó, trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, nhiều khách hàng là người Việt Nam đang mua hàng từ bên bán là người nước ngoài. Hay, trên một số sàn thương mại điện tử ở Việt Nam như Shopee, Lazada... cũng có rất nhiều người bán hàng là người Trung Quốc. Do đó, nếu áp dụng hình thức định danh thông qua VneID sẽ xảy ra tình huống một bộ phận người bán hàng không thực hiện định danh được.
Trước thực tế trên, cơ quan quản lý sẽ có giải pháp gì để định danh được người bán hàng nước ngoài? Nếu không định danh được, có cấm người bán hàng nước ngoài trên các sàn thương mại điện tử này không?
Các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon, Ebay... có người bán hàng và người mua khắp thế giới tham gia giao dịch, việc định danh được thực hiện thông qua thẻ tín dụng. Đây cũng là một cách có thể tham khảo. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là cần giải pháp đồng bộ giữa các bên liên quan để tạo lập môi trường kinh doanh online lành mạnh. Khi đó sẽ không còn "đất" cho những hình thức kinh doanh không lành mạnh, hàng hóa chất lượng kém, hàng giả, hàng nhái, đồng thời giúp tránh thất thoát nguồn thu ngân sách.
Thùy Linh ghi
Bình luận (0)