Theo chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khóa XV sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn từ ngày 11 đến 12-11. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn về 3 lĩnh vực: Ngân hàng, y tế, thông tin - truyền thông.
Nghịch lý bệnh viện thiếu thuốc
Đại biểu (ĐB) QH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, cho rằng 3 lĩnh vực ngân hàng, y tế, thông tin - truyền thông đều là những vấn đề nóng, được ĐBQH, cử tri, nhân dân quan tâm. Trong đó, đối với lĩnh vực ngân hàng, dù tăng trưởng tín dụng có bước chuyển nhưng doanh nghiệp vẫn khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Đây là vấn đề đã được đặt ra nhiều lần và tại kỳ họp này, cần có câu trả lời của "tư lệnh" ngành.
Theo ông Hoàng Văn Cường, trong lĩnh vực y tế, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và chuyện bệnh nhân cần thuốc, bệnh viện có tiền nhưng mua sắm thuốc không được đã được nói đến rất nhiều thời gian qua.
Bên cạnh đó là vấn đề đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ người bệnh ở các bệnh viện lớn hiện nay, trong bối cảnh người bệnh sẵn sàng chi trả để sử dụng các dịch vụ tốt hơn nhưng bệnh viện lại không đáp ứng được do vướng mắc về cơ chế. Những vấn đề nổi cộm đó đang được người dân rất quan tâm. Trên diễn đàn QH, khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, hay sửa đổi một số luật, trong đó có Luật Đấu thầu, các ĐBQH cũng nêu ra những bất cập này.
Trong khi đó, ĐBQH Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng vấn đề được nhiều cử tri quan tâm hiện nay trong lĩnh vực thông tin - truyền thông là thông tin giả, sai sự thật, thông tin xấu độc lan truyền trên mạng xã hội. Loại thông tin này gây thiệt hại về kinh tế; ảnh hưởng tới an ninh trật tự, uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân; tác động tiêu cực đến tâm lý của người dân.
"Tôi mong muốn bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có cam kết mạnh mẽ trong việc chủ động ngăn ngừa, ngăn chặn thông tin sai lệch, không đúng sự thật trên mạng xã hội, đồng thời đưa ra các giải pháp về hoàn thiện thể chế trong vấn đề này. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; nghiên cứu bổ sung các chế tài đủ sức răn đe với các hành vi phát tán thông tin giả; tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng mạng xã hội để cảnh giác trước những thông tin thiếu kiểm chứng" - ông Trần Quốc Tuấn đề nghị.
Trông chờ giải pháp quản lý thị trường vàng, ngoại hối...
ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho rằng việc lựa chọn những nội dung sát sườn để chất vấn tại kỳ họp này cho thấy tư duy không ngừng đổi mới trong hoạt động của QH để bám sát diễn biến đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa...
Trong 3 lĩnh vực chất vấn, ĐBQH của tỉnh Bình Dương dành nhiều quan tâm đến lĩnh vực ngân hàng. Theo bà, những vấn đề nổi cộm cần được "tư lệnh" ngành ngân hàng giải đáp, như công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; chính sách hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng thị trường vàng đang có nhiều biến động, giá vàng liên tục tăng cao. Đây sẽ là vấn đề được ĐBQH chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Bà Trân bày tỏ: "Thông qua hoạt động chất vấn tại kỳ họp này, kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan sẽ có giải pháp bình ổn thị trường, kiểm soát chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp. Bên cạnh đó, để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước cần chủ động nắm bắt tình hình, lên phương án quản lý hiệu quả thị trường ngoại hối và vàng".
Áp lực lạm phát vẫn còn và đây cũng là nội dung được ĐBQH quan tâm trong nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng sẽ chất vấn ngày 11-11. Cùng với đó, các báo cáo của Chính phủ và ghi nhận thực tế cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn khó khăn, cần có giải pháp tháo gỡ.
Với những vấn đề được quan tâm như trên, nhiều ĐBQH mong muốn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ trả lời đúng trọng tâm câu hỏi các ĐB đặt ra, đồng thời nêu rõ được các giải pháp trước mắt và dài hạn đối với những vấn đề cần phải giải quyết trong lĩnh vực quản lý.
ĐBQH kỳ vọng với 3 lĩnh vực nóng là ngân hàng, y tế, thông tin - truyền thông, các bộ trưởng, trưởng ngành đăng đàn trả lời chất vấn chỉ rõ trách nhiệm và nêu được giải pháp để giải quyết dứt điểm những bất cập mà cử tri quan tâm.
Trả lời thẳng, đúng trọng tâm chất vấn
Chủ trì cuộc làm việc mới đây với các cơ quan liên quan khi rà soát công tác chuẩn bị phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh chất vấn và trả lời chất vấn luôn là điểm nhấn quan trọng tại mỗi kỳ họp của QH, được cử tri và nhân dân quan tâm, theo dõi.
Theo Chủ tịch QH, phiên chất vấn cũng là dịp để các bộ trưởng, trưởng ngành báo cáo rõ với QH để cùng tìm giải pháp giải quyết hiệu quả các vấn đề còn tồn tại, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và mong muốn, kỳ vọng của cử tri, nhân dân.
Chủ tịch QH đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời thẳng, gọn, rõ, đúng trọng tâm chất vấn của ĐBQH; việc tốt thì phát huy, việc chưa tốt thì nhận trách nhiệm, cầu thị để tới đây thúc đẩy tốt hơn. Chủ tịch QH cũng lưu ý các ĐBQH đặt câu hỏi ngắn gọn, nên tập trung vào một vấn đề để các "tư lệnh" ngành trả lời.
Các Phó Thủ tướng tham gia trả lời chất vấn
Theo chương trình, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng vào sáng 11-11. Nội dung chất vấn gồm việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động; công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất - kinh doanh sau thiên tai. Cùng trả lời có Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc; bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn nhóm lĩnh vực y tế với các nội dung liên quan việc huy động, bố trí lực lượng, bảo đảm thuốc, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng chống dịch bệnh sau thiên tai. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng sẽ trả lời về việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám chữa bệnh; thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược - mỹ phẩm và giải pháp xử lý vi phạm; công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường. Cùng tham gia trả lời, làm rõ thêm về lĩnh vực này có Phó Thủ tướng Lê Thành Long; bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Quốc phòng.
Sáng 12-11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ trả lời chất vấn về giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
"Tư lệnh" ngành thông tin và truyền thông cũng sẽ làm rõ công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sau đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc; bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Công an tham gia trả lời nội dung liên quan.
Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng được ủy quyền sẽ làm rõ vấn đề liên quan 3 lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp này.
Bình luận (0)