Mức hưởng trợ cấp thất hiện nay là 60% bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi nghỉ việc.
Sáng 9-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình Dự án Luật Việc làm (sửa đổi), sau đó thảo luận tại tổ về nội dung này.
Bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng
Phó trưởng Đoàn Đại biểu (ĐB) QH tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng đề nghị xem xét nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) hằng tháng lên 75% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), thay vì 60% như dự thảo luật. Theo ông Thắng, phần lớn doanh nghiệp (DN) hiện nay đóng cho người lao động (NLĐ) theo mức lương tối thiểu vùng nên mức trợ cấp thôi việc 60% là rất thấp. Phân tích kỹ hơn, ĐB Thắng cho biết với tiền lương bình quân đóng BHTN khoảng 5,56 triệu đồng giai đoạn 2022-2023, NLĐ chỉ nhận được mức TCTN 3,3 triệu đồng mỗi tháng. Mức trợ cấp này chưa đáp ứng 30% chi phí sinh hoạt thực tế của gia đình NLĐ.
Đối với quy định thời gian đóng BHTN từ 12 đến 36 tháng được hưởng 3 tháng TCTN, ĐB Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) nhìn nhận quy định như vậy là chưa tạo công bằng "giữa người tham gia 12 tháng và người tham gia 36 tháng". Đồng thời, việc quy định thời gian hưởng BHTN tối đa 12 tháng không phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng của BHTN. Theo ĐB Vân, nguyên tắc đóng - hưởng của chế độ BHTN tương tự như nguyên tắc đóng - hưởng của chế độ BHXH, tức đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít.
Góp ý cụ thể, ĐB Vân đề nghị bỏ quy định thời gian hưởng BHTN tối thiểu là 3 tháng, thay vào đó là tính hưởng theo thời gian đóng: cứ đóng đủ 12 tháng thì được hưởng 1 tháng và không hạn chế thời gian hưởng tối đa BHTN là không quá 12 tháng. Đồng thời đề nghị bỏ quy định không bảo lưu thời gian đóng BHTN trên 144 tháng (điểm đ, khoản 3, điều 60 của dự thảo luật).
Theo ĐB Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang), Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, cần nghiên cứu, có giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết các vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHTN như đối với chậm, trốn đóng BHXH. Vừa qua, việc chậm đóng, trốn đóng BHXH khiến quyền lợi NLĐ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Với BHTN cũng như vậy, NLĐ mong muốn đóng góp BHTN để chẳng may khi bị mất việc làm thì còn có sự hỗ trợ nhưng DN trốn đóng, chậm đóng thì họ sẽ không được hưởng chế độ BHTN.
Đánh giá kỹ các tác động
So với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trình Quốc hội gồm 9 chương và 94 điều, có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn với 4 nhóm chính sách: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung; hoàn thiện chính sách BHTN là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Dự thảo luật cũng có nhiều nội dung mới như: Bổ sung đối tượng tham gia BHTN là NLĐ có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên); sửa đổi quy định về đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không giới hạn 5 đối tượng như luật hiện hành).
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng dự án luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định và tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan; thành phần Hồ sơ dự án luật đủ thành phần theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục bổ sung đánh giá tác động của các quy định mới và có các giải pháp bảo đảm tính khả thi, khắc phục các hạn chế hiện nay trong tổ chức thực hiện.
Về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá so với luật hiện hành, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã quy định hỗ trợ tạo việc làm mới, duy trì, mở rộng việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; quy định cho vay hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bổ sung chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi và làm rõ hơn chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên.
Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để bảo đảm khả năng thực hiện, nhất là nguồn vốn cho vay ở địa phương để hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tiếp tục rà soát để quy định về nguồn vốn cho vay từ ngân sách nhà nước thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các luật khác có liên quan; quy định các nguyên tắc cơ bản để hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp; hỗ trợ việc làm cho thanh niên, người cao tuổi.
Cân nhắc bỏ đề xuất người bị sa thải, kỷ luật không được nhận BHTN
Tại điều 64 của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định 4 trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp: NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật theo quy định Bộ Luật Lao động và NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức; NLĐ bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức; NLĐ hưởng lương hưu; NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc.
Đối với đề xuất người bị sa thải, kỷ luật không được nhận TCTN, ĐB Nguyễn Trần Phượng Trân (đoàn TP HCM) cho rằng quy định này chưa phù hợp với chế độ BHTN hiện nay.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết Ủy ban Xã hội xét thấy theo quy định của pháp luật về lao động, NLĐ bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức thì không được nhận trợ cấp thôi việc. Do đó, để bảo đảm quyền lợi NLĐ, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc bỏ quy định này để tạo điều kiện cho những trường hợp nói trên được hưởng TCTN trên cơ sở nguyên tắc "đóng - hưởng".
Ông TRẦN THANH SƠN, Trưởng Phòng Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân, TP HCM):
Không cho hưởng trợ cấp thất nghiệp là chưa hợp lý
Việc dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đề xuất bổ sung trường hợp NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc thì không được hưởng TCTN là chưa thấu tình, đạt lý. Bởi lẽ, NLĐ có quá trình xuyên suốt tham gia BHTN đến khi nghỉ hưu mà không được hưởng chế độ là quá thiệt thòi. Do vậy, để NLĐ an tâm làm việc thì cần có thêm khoản hỗ trợ khi nghỉ hưu, đồng thời khuyến khích họ tham gia BHTN lâu dài.
Theo tôi, nên chi trả trợ cấp thất nghiệp mức 30% bình quân tiền lương tháng đóng BHTN đối với trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng không quá 18 tháng (bao gồm cả thời gian nhận BHTN trước đó). Hoặc vẫn giải quyết hưởng TCTN đối với trường hợp này.
Ông PHẠM VĂN HIỀN, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật LĐLĐ TP HCM:
Bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ
Trong thời gian qua có rất nhiều NLĐ là "nạn nhân" của tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN dẫn đến việc không được hưởng TCTN cũng như các quyền lợi liên quan (hỗ trợ đào tạo nghề, vay vốn ưu đãi…) khi thất nghiệp.
Do đó, Luật Việc làm (sửa đổi) cần thiết kế các quy định để phòng ngừa và giải quyết quyền lợi về BHTN của NLĐ trong trường hợp này, đặc biệt là khi DN phá sản; chủ DN bỏ trốn; DN cố tình chiếm dụng, trốn đóng hoặc vì lý do khó khăn DN không thể đóng BHTN cho NLĐ.
C.Hường - T.Nga ghi
Bình luận (0)