Được Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đánh giá là "mảnh ghép ngày càng quan trọng đối với nhiệm vụ trung hòa carbon vào năm 2050", hydrogen có thể góp phần hóa giải những thách thức năng lượng sống còn. Trong chiến lược hydrogen của Liên minh châu Âu (EU) cũng như sáng kiến REPowerEU (có thể hiểu là tái cơ cấu năng lượng châu Âu), một trong những ưu tiên là tăng cường sản xuất hydrogen xanh, với sản lượng mục tiêu là 10 triệu tấn và nhập thêm 10 triệu tấn vào năm 2030.
Hydrogen xanh được sản xuất bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo, nhờ đó trở thành nguồn nhiên liệu không phát thải, phù hợp cho các ngành công nghiệp và giao thông, theo trang Spectra. Bên cạnh hydrogen, sản phẩm phái sinh ammoniac cũng có thể sử dụng làm nguồn năng lượng không carbon.
Tổ chức chuyên ngành Hydrogen Europe thống kê hiện có 32 cơ sở sản xuất ammoniac tại EU với sản lượng tiềm năng 17,7 triệu tấn (khoảng 10% sản lượng toàn cầu). Dù vậy, điểm trừ của nguồn ammoniac nhiên liệu này là được sản xuất bằng cách sử dụng nhiên liệu hóa thạch nên vẫn cần chuyển đổi sang ammoniac sạch.
Khi các cuộc tranh luận về hydrogen bắt đầu chuyển từ bàn bạc sang hành động cũng là lúc châu Âu bắt tay đặt nền móng hạ tầng cho nguồn nhiên liệu tương lai này. Dù có khả năng sản xuất cả hydrogen và ammoniac nhưng để đáp ứng nhu cầu năng lượng sạch ngày càng tăng, châu Âu dự kiến nhập thêm từ Mỹ và Bắc Phi. Để làm được vậy, hàng loạt dự án hạ tầng lớn đang được triển khai khắp châu lục.
Báo cáo của Sáng kiến European Hydrogen Backbone, bao gồm hơn 30 nhà điều hành hạ tầng năng lượng, phác thảo mạng lưới vận chuyển hydrogen trải rộng trên 21 nước châu Âu, với ước tính lên tới 53.000 km đường ống đi vào hoạt động năm 2040. Hơn 60% mạng lưới này dự tính tái sử dụng hạ tầng khí thiên nhiên hiện hữu.
Đến nay, Bỉ đã có kế hoạch nâng cấp các cảng, như Antwerp-Bruges, để sẵn sàng nhập lượng lớn hydrogen xanh sau khi đạt thỏa thuận với Chile. Bên dưới biển Bắc, Scotland có dự án đường ống dẫn để hướng tới mục tiêu vận chuyển 10% lượng hydrogen nhập khẩu của châu Âu (tính tới giữa thập niên 2030) vào miền Bắc châu lục này.
Trong khi đó, một nhóm 7 công ty năng lượng của Đức đang chung tay biến cảng nước sâu duy nhất của cả nước ở thị trấn Wilhelmshaven thành trung tâm vận chuyển hydrogen xanh với công suất 10 GW vào năm 2030. Song song đó là đường ống nối Wilhelmshaven với TP Cologne, nơi đặt hàng loạt công ty hóa chất lớn.
Để rộng đường cho những dự án đầy tham vọng này, giới hoạch định chính sách châu Âu đang hoàn thiện dần khung chính sách. Đầu tháng 12 năm ngoái, Hội đồng và Nghị viện châu Âu đã đạt thỏa thuận về một quy định nhằm xây dựng các quy tắc chung cho thị trường năng lượng tái tạo, khí thiên nhiên và hydrogen nội khối; trong đó tính đến các vấn đề như hạ tầng và thị trường cho hydrogen cũng như bảo vệ người tiêu dùng và bảo đảm nguồn cung. Cuối tháng 11-2023, Ủy ban Châu Âu cũng ra mắt Ngân hàng Hydrogen nhằm cung cấp khoảng 800 triệu euro hỗ trợ ngành này. Ngoài ra, theo trang Euronews, những sáng kiến như Hy2Use và Hy2Tech cũng sẽ phân bổ tổng cộng 10,6 tỉ euro cho các dự án hydrogen.
Bình luận (0)