Thị trường chứng khoán toàn cầu, giá đồng euro và lãi suất trái phiếu tại nhiều nước châu Âu phần lớn tăng lên hôm 7-6, sau quyết định cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Sau cuộc họp trước đó 1 ngày, ECB quyết định cắt giảm lãi suất của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) gồm 20 nước thành viên từ 4% - mức cao kỷ lục được duy trì từ tháng 9-2023 - xuống còn 3,75%. Đây là lần giảm lãi suất đầu tiên của ECB kể từ năm 2019.
Theo đài CNN, động thái của ECB giúp các công ty và người tiêu dùng thở phào nhẹ nhõm sau thời gian dài căng thẳng về tài chính do lãi suất tăng nhanh kể từ cuối năm 2021. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 2 năm của Đức lần lượt tăng lên 2,557% và 3,025% trong khi lãi suất trái phiếu 10 năm của Ý tăng lên 3,88% và tỉ lệ này ở Tây Ban Nha là 3,29%.
Tuy nhiên, ECB cảnh báo cuộc chiến kiểm soát lạm phát vẫn chưa kết thúc và họ chưa thể cam kết cắt giảm lãi suất thêm lần nữa. Theo ECB, áp lực giá cả ở khu vực vẫn cao do tăng trưởng tiền lương tăng và lạm phát có thể sẽ cao hơn mức mục tiêu trong năm tới.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhấn mạnh ECB sẽ thực hiện lộ trình lãi suất cụ thể dựa vào thông tin và dữ liệu có sẵn tại mỗi thời điểm cuộc họp diễn ra.
Trước ECB, Ngân hàng Canada hôm 5-6 trở thành ngân hàng trung ương đầu tiên trong Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) giảm lãi suất trong những năm qua. Các ngân hàng trung ương ở Thụy Sĩ và Thụy Điển trước đó cũng đã cắt giảm lãi suất.
Các nhà phân tích cho rằng ECB có thể duy trì mức lãi suất hiện tại trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 7. Ông Mark Wall, nhà kinh tế trưởng châu Âu tại Ngân hàng Deutsche Bank, nhận định ECB không vội vàng nới lỏng chính sách.
ECB cũng nâng dự báo lạm phát trong năm nay lên 2,5% (từ mức 2,3% được dự báo hồi tháng 3) và giữ lãi suất phù hợp trong thời gian cần thiết để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.
Theo Reuters, các nhà phân tích ở Mỹ xem việc cắt giảm lãi suất ở châu Âu là điềm báo trước cho động thái tương tự của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Dù vậy, FED được dự báo giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp vào tuần tới và trong cuộc họp tháng 7.
Thời điểm FED cắt giảm lãi suất, theo cuộc thăm dò các nhà kinh tế từ ngày 31-5 đến 5-6 của Reuters, là vào tháng 9 tới.
Bộ Lao động Mỹ cho biết số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã tăng vào tuần trước và chi phí lao động trong quý I/2024 tăng ít hơn so với ước tính. Dù số liệu mới cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt nhưng khó có khả năng thúc đẩy FED hạ lãi suất sớm.
Tương tự, Ngân hàng Anh cũng dự kiến không hạ lãi suất tại cuộc họp vào ngày 20-6 tới, diễn ra chỉ vài tuần trước khi Anh tổ chức cuộc tổng tuyển cử.
Việc ECB cắt giảm lãi suất trong khi FED duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn sẽ gây áp lực giảm giá mạnh lên đồng euro so với đồng USD, có nguy cơ gây áp lực tăng giá hơn nữa đối với hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu.
Về phía Trung Quốc, hoạt động xuất khẩu của nước này vẫn tăng bất chấp căng thẳng thương mại với Mỹ. Điều này giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nói chung.
Theo một cuộc thăm dò của Reuters, xuất khẩu của nền kinh tế số 2 thế giới trong tháng 5 đã tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua mức 6% dự đoán. Tuy nhiên, nhập khẩu chỉ tăng 1,8%, thấp hơn mức 4,2% dự báo.
Theo CNBC, trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và EU giảm xuống trong khi thương mại giữa Bắc Kinh với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tăng đáng kể, cụ thể là tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bình luận (0)