xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

IMF lạc quan hơn về kinh tế thế giới

Anh Thư

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, việc nới lỏng chính sách tài chính, lạm phát giảm và những bước tiến về trí tuệ nhân tạo là các yếu tố có thể thúc đẩy tăng trưởng

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nâng nhẹ dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu khi nhận định kinh tế thế giới đã chứng tỏ được "khả năng phục hồi đáng kinh ngạc" bất chấp áp lực từ lạm phát và các thay đổi trong chính sách tiền tệ. 

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất được IMF công bố hôm 16-4, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,2% năm 2024, so với mức 3,1% được đưa ra trong báo cáo hồi tháng 1.

Báo cáo đã chỉ ra một số rủi ro có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế thế giới, như căng thẳng địa chính trị khiến giá cả leo thang, bất đồng thương mại, lãi suất cao kéo dài... Ngược lại, việc nới lỏng chính sách tài chính, lạm phát giảm và những bước tiến về trí tuệ nhân tạo là các yếu tố có thể thúc đẩy tăng trưởng.

Đài CNBC dẫn lời ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF, nói dữ liệu hiện tại cho thấy kinh tế toàn cầu đang hướng tới "hạ cánh mềm" theo sau một loạt khủng hoảng. 

Theo ông Gourinchas, bất chấp những dự đoán ảm đạm, nền kinh tế toàn cầu vẫn có khả năng phục hồi đáng kể, với tốc độ tăng trưởng ổn định và lạm phát chậm lại.

IMF dự báo kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng 2,7%, cao hơn so với mức 2,1% trong báo cáo hồi tháng 1. Sự điều chỉnh này một phần nhờ thị trường việc làm và chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ mạnh hơn mong đợi vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

 Dù vậy, nền kinh tế hàng đầu thế giới này sẽ chỉ tăng trưởng 1,9% vào năm 2025 do tác động của việc siết chặt chính sách tài chính và tiền tệ.

IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2024 là 4,6%. Trong ảnh: Người dân đi dạo tại khu mua sắm ở TP Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc hôm 13-4. Ảnh: REUTERS

IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2024 là 4,6%. Trong ảnh: Người dân đi dạo tại khu mua sắm ở TP Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc hôm 13-4. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, tăng trưởng của khu vực đồng euro được dự báo đạt mức 0,8% trong năm nay, chủ yếu do tâm lý tiêu dùng yếu ở Đức và Pháp. Con số này tại Anh là 0,5% trong bối cảnh nước này vẫn còn vật lộn với lãi suất cao và lạm phát cao dai dẳng.

Cũng trong báo cáo mới, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2024 là 4,6%, giảm so với mức 5,2% của năm 2023. Con số này dự kiến tiếp tục giảm còn 4,1% vào năm 2025. 

IMF cảnh báo việc Bắc Kinh thiếu gói tái cơ cấu toàn diện đối với lĩnh vực bất động sản đe dọa kéo dài giai đoạn sụt giảm của nhu cầu trong nước và khiến triển vọng kinh tế u ám hơn.

Bên cạnh đó, IMF ghi nhận một số điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu năm nay. Chẳng hạn như Brazil sẽ tăng trưởng 2,2% (tăng 0,5 điểm % so với báo cáo trước). Với Ấn Độ, con số này là 6,8% (tăng 0,3 điểm %). 

Đáng chú ý, IMF nâng mức dự báo tăng trưởng đối với kinh tế Nga năm 2024 từ 2,6% lên 3,2%, một phần nhờ doanh thu xuất khẩu dầu mỏ tiếp tục tăng mạnh giữa lúc giá dầu toàn cầu tăng cao.

Các ngân hàng trung ương đang được theo dõi chặt chẽ tín hiệu về hướng đi của lạm phát thời gian sắp tới. IMF dự báo lạm phát toàn cầu giảm từ mức trung bình hằng năm là 6,8% vào năm 2023 xuống còn 5,9% vào năm 2024 và 4,5% vào năm 2025. Lạm phát tại các nền kinh tế tiên tiến dự kiến trở về mức mục tiêu sớm hơn các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. 

Ông Gourinchas cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu sắp hạ cánh mềm, ưu tiên ngắn hạn của các ngân hàng trung ương là bảo đảm lạm phát giảm xuống suôn sẻ bằng cách không nới lỏng chính sách quá sớm nhưng cũng không trì hoãn quá lâu. 

Chủ tịch FED thận trọng

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell hôm 16-4 nhận định lạm phát ở Mỹ vẫn chưa trở về mức mục tiêu đề ra (2%), qua đó cho thấy ngân hàng trung ương này khó có thể sớm cắt giảm lãi suất.

Phát biểu tại một diễn đàn ở thủ đô Washington, ông Powell nhận định lạm phát tiếp tục giảm nhưng chưa đủ nhanh và chính sách hiện nay nên được duy trì cho đến khi lạm phát trở về sát mục tiêu hơn. Ông Powell đưa ra phát biểu trên sau khi chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 3-2024 tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Cuộc họp chính sách tiếp theo của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED, sẽ diễn ra trong 2 ngày 30-4 và 1-5 và lãi suất cơ bản dự kiến được giữ nguyên trong phạm vi 5,25-5,5%. Đây là mức cao nhất trong vòng 23 năm và là kết quả của 11 lần tăng liên tiếp từ tháng 3-2022 đến tháng 7-2023.

Các thị trường tài chính đã phải điều chỉnh kỳ vọng liên quan đến giảm lãi suất trong năm nay. Vào đầu năm, các chuyên gia kỳ vọng sẽ có từ 6-7 đợt cắt giảm, bắt đầu từ tháng 3. Tuy nhiên, con số này đã giảm còn 1-2 đợt, dự kiến bắt đầu từ tháng 9. Hồi tháng 3, giới chức FOMC đã nói đến 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Hoàng Phương


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo