Việc thay đổi giờ giấc, di chuyển nhiều, tham gia các lễ hội hoặc tiệc tùng sẽ làm thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày, dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, nếu không kiểm soát tốt.
Theo BS Nguyễn Ngọc Ân, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức (TP Thủ Đức, TP HCM), trong dịp Tết, bệnh nhân đái tháo đường dễ gặp phải một số vấn đề sức khỏe như: Tăng đường huyết do ăn nhiều thực phẩm giàu đường và tinh bột như bánh chưng, bánh tét, mứt, nước ngọt, sử dụng rượu bia, hoặc quên uống thuốc/tiêm insulin đúng liều.
Căng thẳng tâm lý và thiếu vận động cũng góp phần làm tăng đường huyết. Một số triệu chứng điển hình của tăng đường huyết gồm khát nước, tiểu nhiều, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, thở nhanh... Nếu không được xử lý kịp thời, có thể dẫn đến hôn mê tăng đường huyết.
Hạ đường huyết vì bỏ bữa, uống rượu bia khi bụng đói hoặc dùng quá liều insulin/thuốc. Triệu chứng của hạ đường huyết bao gồm run rẩy, cảm giác đói cồn cào, đổ mồ hôi, tim đập nhanh, lơ mơ, chóng mặt. Nếu không can thiệp kịp thời, bệnh nhân có thể gặp phải co giật hoặc hôn mê. Dấu hiệu nguy hiểm là mất ý thức và không đáp ứng với việc bổ sung đường qua miệng.
Nhiễm trùng cấp tính bởi bệnh nhân đái tháo đường có hệ miễn dịch suy giảm, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt khi ăn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, chấn thương hoặc tiếp xúc với thực phẩm không an toàn. Các loại nhiễm trùng thường gặp là nhiễm trùng đường tiêu hóa, đường tiết niệu, nhiễm trùng da và đường hô hấp. Các dấu hiệu nguy hiểm bao gồm sốt cao không hạ, khó thở, vết thương có mùi hôi, tiêu chảy kéo dài dẫn đến mất nước.
Mắc bệnh lý tim mạch cấp cứu (tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim…) do thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn nhiều thực phẩm chứa cholesterol cao, uống rượu bia, căng thẳng tâm lý và không kiểm soát huyết áp hay đường huyết có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim. Triệu chứng bao gồm đau ngực, khó thở, hoa mắt, chóng mặt. Dấu hiệu nặng là cơn đau ngực dữ dội lan ra vai hoặc cánh tay, ngất xỉu hoặc bất tỉnh.
Đột quỵ và biến chứng thần kinh vì tổn thương hệ thần kinh lâu dài khi không kiểm soát tốt đường huyết, kết hợp với căng thẳng và thay đổi thói quen sinh hoạt trong dịp Tết. Triệu chứng bao gồm tê bì, đau nhói ở tay hoặc chân, yếu cơ, khó cử động, và có thể dẫn đến liệt nửa người, nói ngọng, mặt méo. Đây là những dấu hiệu của đột quỵ và cần cấp cứu ngay.
Để phòng tránh các rủi ro này, BS Ân khuyến cáo bệnh nhân đái tháo đường cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý trong những ngày Tết như sau:
Duy trì thời gian ăn uống đều đặn** để ổn định đường huyết. Tránh bỏ bữa hoặc ăn quá nhiều món trong một bữa. Nếu không thể từ chối món ăn Tết, hãy chọn các món ít đường và năng lượng.
Cân bằng dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn, trong đó duy trì 1/2 khẩu phần là rau xanh và trái cây tươi; 1/4 khẩu phần là protein; 1/4 khẩu phần còn lại là tinh bột, ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt.
Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, thừa đạm và đồ ngọt như mứt, bánh kẹo, nước ngọt… Uống đủ nước và duy trì thói quen ăn nhạt để giảm nguy cơ rối loạn đường huyết. Hạn chế rượu bia, nếu sử dụng, nên tuân thủ lượng cồn tối đa là 2 đơn vị/ngày đối với nam và 1 đơn vị/ngày đối với nữ (1 đơn vị cồn tương đương 1 ly rượu vang hoặc 3/4 lon bia).
Ngoài chế độ dinh dưỡng, nếu có dự định vui chơi, tham gia các lễ hội, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đi, để được tư vấn về chế độ ăn uống và điều chỉnh liều thuốc, đồng thời chuẩn bị đầy đủ dược phẩm và thiết bị y tế cần thiết. Bên cạnh đó, bảo quản thuốc đúng cách trong suốt quá trình di chuyển, giữ ổn định đường huyết và vận động nhẹ khi di chuyển. Đồng thời, điều chỉnh múi giờ nếu có chuyến du lịch xa và duy trì việc kiểm tra đường huyết đều đặn. Chăm sóc sức khỏe khi đến nơi, đặc biệt là đôi chân. Kiểm tra đường huyết thường xuyên và tuân thủ lịch trình dùng thuốc để đảm bảo sức khỏe trong suốt kỳ nghỉ Tết.
Với chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý, bệnh nhân đái tháo đường hoàn toàn có thể đón một cái Tết vui khỏe, an toàn, tránh được những biến chứng nguy hiểm.
Bình luận (0)