Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí y học Nature Medicine cho thấy nếu bạn kết thúc "bữa tối" sau... 17 giờ chiều và cố gắng đừng ăn khuya hay nạp bất cứ thứ gì có calo cho đến khi đi ngủ, mỡ bụng sẽ tan nhanh chóng và nhiều nguy cơ sức khỏe cũng được đẩy lui.
Công trình được thực hiện bởi các cơ sở nghiên cứu tại Tây Ban Nha, bao gồm Đại học Granada (UGR), Đại học Công lập Navarra (UPNA) và Mạng lưới trung tâm nghiên cứu y sinh học (CIBER).
Trích dẫn nghiên cứu trên tờ SciTech Daily cho biết chế độ ăn hạn chế calo đã được chứng minh là giúp giảm cân và cải thiện sức khỏe tim mạch, nhưng không dễ duy trì.
Vì vậy, các chiến lược dinh dưỡng mới nổi lên. Một trong số đó là nhịn ăn gián đoạn, bao gồm các khoảng thời gian ăn thoải mái xen kẽ với các khoảng thời gian nhịn ăn kéo dài từ vài giờ đến vài ngày.
Một loại nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây là "ăn hạn chế thời gian", tức gói gọn các bữa trong ngày vào một khung giờ ngắn hơn thông lệ. Khung giờ ăn phổ biến của người Tây Ban Nha cũng khá giống với nhiều nơi trên thế giới: Mọi người bắt đầu ăn sáng khoảng lúc 7-8 giờ sáng và kết thúc bữa ăn tối lúc 21-22 giờ, vì vậy họ có khung thời gian hấp thụ 12-14 giờ.
Nghiên cứu mới khuyến nghị mọi người cố gắng giảm khung thời gian hấp thụ này chỉ còn 6-8 giờ, trong đó tốt nhất là đẩy bữa ăn cuối cùng xuống khung giờ chiều. "Chiến lược dinh dưỡng này giúp duy trì chu kỳ ăn uống và nhịn ăn hàng ngày, giúp ổn định nhịp sinh học của cơ thể chúng ta" - các tác giả viết. Nghiên cứu cũng cho rằng ăn uống không đều đặn hoặc vào ban đêm sẽ phá vỡ nhịp sinh học và làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim mạch và tiểu đường type 2.
Gần 200 tình nguyện viên đã được phân nhóm, thực hiện 3 chiến lược nhịn ăn gián đoạn khác nhau: Ăn từ 9 giờ đến 17 giờ, ăn từ 14 giờ đến 22 giờ, ăn từ 12 giờ trưa đến 20 giờ tối. Họ cũng được yêu cầu thực hiện lối sống lành mạnh và ăn theo chế độ Địa Trung Hải tốt cho sức khỏe - nhiều rau củ, trái cây, nguồn đạm chủ yếu là cá, đậu, hạt, dùng dầu thực vật lành mạnh, hạt chế thịt đỏ và thực phẩm chế biến sẵn...
Kết quả cho thấy cả 3 nhóm đều giảm trung bình 3-4 kg so với người có khung giờ ăn trải rộng đến 12 giờ trong ngày. Nhưng đáng chú ý, nhóm ăn từ 9 đến 17 giờ giảm mạnh lớp mỡ dưới da, cụ thể là mỡ bụng, so với các nhóm còn lại.
Nhóm này cũng cải thiện đáng kể mức đường huyết lúc đói và đường huyết qua đêm hơn so với các nhóm khác, cho thấy tiềm năng trong việc ngăn ngừa tiểu đường, cải thiện sức khỏe trao đổi chất.
"Bằng cách không ăn vào ban đêm, cơ thể có nhiều thời gian hơn để tiêu hóa và xử lý chất dinh dưỡng, điều hòa lượng đường trong máu tốt hơn, do đó làm giảm nguy cơ phát triển các vấn đề về đường và các rối loạn trao đổi chất khác" - các tác giả giải thích.
Bình luận (0)