Cho đến nay đã có 144 quốc gia trên thế giới công nhận nhà nước Palestine độc lập. Trong số ấy không có Mỹ và các thành viên chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU).
Việc có thêm quốc gia công nhận chưa thể làm thay đổi ngay thực trạng tồn tại lâu nay là ở Dải Gaza và khu vực Bờ Tây sông Jordan mới chỉ có chính quyền tự trị Palestine chứ chưa có nhà nước Palestine thực thụ và đầy đủ.
Dù vậy, bước đi trên danh nghĩa của Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy vẫn có ý nghĩa to lớn về chính trị thế giới và đối với Palestine.
Nhìn vào đó có thể thấy là bên không công nhận nhà nước Palestine độc lập ngày càng bị cô lập. Na Uy không phải thành viên EU nhưng Tây Ban Nha, Ireland và tới đây Malta đều là thành viên khối này. Như vậy còn có nghĩa nội bộ EU nói riêng và phương Tây nói chung rạn nứt ngày càng rõ nét và sâu sắc trong vấn đề này.
Động thái nói trên có tác động chính trị và pháp lý quốc tế về việc khẳng định Palestine có quyền chính đáng thành lập nhà nước độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ. Cùng với đó là áp lực gia tăng đối với Israel và những quốc gia đồng hành với họ.
Bản chất áp lực ở đây là thôi thúc Israel chấp nhận giải pháp chính trị hòa bình, với nội dung cốt lõi là hình thành nhà nước Palestine độc lập cùng tồn tại trong hòa bình với nhà nước Israel ở Trung Đông. Ngoài ra, các nước đồng minh của Israel cũng chịu áp lực sử dụng ảnh hưởng để thuyết phục nước này chấp nhận "giải pháp hai nhà nước".
Lần xung đột mới giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas ở Dải Gaza làm cho cuộc xung khắc Israel - Palestine nổi bật trở lại.
Thảm trạng nhân đạo đang diễn ra ở Gaza và mức độ thâm thù Israel - Hamas đã làm sâu sắc thêm nhận thức chung và phổ biến trên thế giới rằng chỉ khi thành lập được nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ thì mới có thể có được hòa bình, an ninh và ổn định lâu bền ở Trung Đông.
Giải pháp này cũng là sự bảo đảm tốt nhất và lâu bền nhất cho an ninh của chính Israel.
Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy quyết định công nhận nhà nước Palestine độc lập vào lúc này đương nhiên có nguyên do đối nội nhưng đồng thời cũng còn là hệ lụy trực tiếp của cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza.
Càng đối địch Nga quyết liệt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, các nước phương Tây càng khó xử đối với cuộc xung đột Israel - Hamas. Cho nên rồi sẽ nhanh chóng có thêm quốc gia ở châu Âu công nhận nhà nước Palestine độc lập.
Bình luận (0)