Cách nay tròn 51 năm, ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được chính thức ký kết tại Paris - Pháp, đánh dấu một chặng đường đấu tranh gay go, quyết liệt và phức tạp trên cả 3 mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút hết quân, mở ra cục diện mới để quân và dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 - giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân ta trải qua cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và nhiều thách thức, ác liệt với những giai đoạn đối phó với các kế hoạch, chiến lược khác nhau của đế quốc Mỹ và tay sai. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo quân và dân cả nước thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965, quân và dân ta tiến hành đánh địch bằng cả 3 mũi giáp công, trên cả 3 vùng chiến lược, làm phá sản chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ và tay sai, buộc đế quốc Mỹ trực tiếp đưa quân Mỹ và chư hầu vào xâm lược miền Nam Việt Nam, đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968 đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, buộc phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris.
Hiệp định Paris là thắng lợi của chính nghĩa, của công cuộc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước của quân và dân Việt Nam. Đúng như dự báo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!".
Hiệp định Paris là chiến thắng của lòng quả cảm của cả dân tộc Việt Nam, là sự kế tục từ thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), kết quả của cuộc chiến đấu gian khổ, ác liệt đối phó với 2 chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" và "Chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ và tay sai. Hiệp định Paris về Việt Nam mãi mãi là trang sử vàng chói lọi, thể hiện cao độ bản lĩnh, tinh thần, trí tuệ của con người và nền văn hóa Việt Nam được kết tinh từ lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Tạo bước ngoặt lịch sử
Dù trước sức mạnh to lớn về vũ khí hiện đại tạo nên sự tàn bạo, khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh hủy diệt, trước khi ký kết Hiệp định Paris, Mỹ đã dốc "quân bài" cuối cùng đưa B52 sang Việt Nam, ném bom vào Hà Nội, Hải Phòng suốt 12 ngày đêm cuối năm 1972 nhưng khát vọng hòa bình đã chiến thắng, con người Việt Nam đã chiến thắng.
Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 mãi mãi là biểu tượng của khát vọng hòa bình, của thế trận phòng không nhân dân bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Khát vọng hòa bình của Việt Nam là nguyên tắc "dĩ bất biến" trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris, giúp cho Việt Nam có lý lẽ, lập luận sắc bén, có cách ứng xử quyết liệt, thực hiện quyền dân tộc tự vệ thiêng liêng, bảo vệ hòa bình.
Cũng chính điều đó, khát vọng hòa bình lại có sức lan tỏa rộng lớn, nhận được sự ủng hộ của nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới. Ngay trên bàn đàm phán Hội nghị Paris, Việt Nam tranh thủ được sự đồng tình của dư luận quốc tế, tạo nên một mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn ủng hộ Việt Nam, thức tỉnh lương tri, khát vọng hòa bình của toàn nhân loại.
Hiệp định Paris để lại nhiều bài học quý báu cho các thế hệ hôm nay. Trong đó, quan trọng hơn cả là việc kiên định nguyên tắc độc lập, tự chủ, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm cơ sở cho đường lối và quyết sách; bài học về sự tin tưởng tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Đảng, lấy đại đoàn kết toàn dân tộc làm nòng cốt, chủ động, sáng tạo trong đấu tranh ngoại giao để tăng cường đoàn kết quốc tế, tranh thủ các nguồn lực và xu hướng tiến bộ trên thế giới.
Trong tình hình thế giới biến động phức tạp hiện nay, những bài học quý báu từ cuộc đàm phán lịch sử này vẫn còn vẹn nguyên giá trị và cần được vận dụng hiệu quả trong triển khai đường lối đối ngoại của Đảng. Trong quá trình thực hiện để đạt mục tiêu "ngoại giao cây tre Việt Nam" cần linh hoạt, chủ động và uyển chuyển.
"Ngoại giao cây tre Việt Nam" đã làm tốt được nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc là vì chúng ta đã thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Đàm phán kéo dài gần 5 năm
Hiệp định Paris chính thức khởi động và diễn tiến kéo dài gần 5 năm (13.5.1968 - 27.1.1973) với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, trải qua 2 đời Tổng thống Mỹ là Lyndon
B. Johnson và Richard Nixon. Từ hội nghị hai bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ từ ngày 13-5 đến 1-11-1968, trở thành hội nghị 4 bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), Mỹ và Việt Nam Cộng hòa từ ngày 25-1-1969 đến 27-1-1973.
Bình luận (0)