Ngày 26-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng về bối cảnh, có thể nói sau đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế có rất nhiều khó khăn, chúng ta phải đứng trước rất nhiều các thách thức về những tác động sau đại dịch, tình hình kinh tế thế giới hồi phục rất chậm, các thị trường lớn của nước ta cũng ảnh hưởng… thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và trầm trọng hơn.
Tuy nhiên, với những nỗ lực, quyết tâm và lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, đồng hành của Quốc hội, năm 2024, nhất là đến Quý 3 vừa qua đã đạt được những kết quả khá lạc quan.
Theo ĐB, quan điểm chú trọng tăng trưởng, thúc đẩy tăng trưởng của năm 2024 này là rất đúng đắn. 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt, trong đó xuất nhập khẩu gia tăng ấn tượng, chỉ tiêu khó khăn trong những năm qua là năng suất lao động đã đạt được cũng là điều đáng mừng. Nhiều kết quả khác, báo cáo của Chính phủ đã nêu, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng như Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã đánh giá cụ thể.
Tuy nhiên, từ góc độ của doanh nghiệp, ĐB Hiền đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn đối với khu vực doanh nghiệp. Theo khảo sát và đánh giá của Tổng cục thống kê cho thấy có từ hơn 10% đến hơn 50% doanh nghiệp cho rằng có 15 yếu tố tác động, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh thời gian qua.
Trong đó, nổi lên nhất là những khó khăn về nhu cầu thị trường thấp, tính cạnh tranh của hàng trong nước cao, nợ đọng xây dựng cơ bản, giá nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất, khó khăn về tài chính và lãi suất cao…
"Từ thực tiễn hoạt động doanh nghiệp, tôi cho rằng đây là những đánh giá khách quan và phản ánh đúng thực tế" - ĐB Hiền nói.
Các kỳ họp trước, ĐB đã phát biểu về những khó khăn về tiếp cận vốn. Tuy đã được tháo gỡ nhưng vẫn cần tiếp tục phải được quan tâm hơn, đặc biệt là về lãi suất. ĐB Hiền cho rằng mức lãi suất như hiện nay vẫn còn cao. Do đó, đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sớm nghiên cứu điều chỉnh hạ lãi suất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp - điều này cũng nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng (9 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng chỉ có 9%, trong khi mục tiêu là 14-15%).
Một khía cạnh khác, dù số lượng doanh nghiệp gia tăng đều suốt những năm qua, từ hơn 654.000 doanh nghiệp năm 2017 đến năm 2023 đạt mức hơn 921.000 và năm 2024 chắc chắn sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, nếu đánh giá về mục tiêu thì e rằng khó có thể đạt được việc phát triển 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21-4-2023 của Chính phủ.
Mặt khác, quy mô doanh nghiệp của chúng ta cũng rất nhỏ, hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa, trong khi số liệu thống kê cũng cho thấy số doanh nghiệp kinh doanh lỗ nằm nhiều ở nhóm này
Bên cạnh đó, từ khía cạnh khác cũng cần phải quan tâm hơn đến chất lượng doanh nghiệp, chứ không chỉ đơn thuần về số lượng. Số doanh nghiệp kinh doanh có lãi cũng không cao, ví dụ năm 2022 có chưa đến 45% trong tổng số hơn 735.000 doanh nghiệp đang hoạt động có lãi, còn lại 46,9% lỗ và hòa vốn chỉ 8,5%.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, hơn 86.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. "Đây là những vấn đề, đề nghị Chính phủ cũng quan tâm hơn đến các yếu tố chất lượng, chứ không chỉ phát triển về số lượng" – bà Hiền nêu ý kiến.
Bình luận (0)