Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép.
Trên đây là các kết quả cơ bản về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, sáng 21-10.
Theo Thủ tướng, tăng trưởng GDP năm 2024 ước đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao. Hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư FDI đều đạt kết quả tích cực.
Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực, là điểm sáng trong thời gian qua. Theo Thủ tướng, đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, tập trung triển khai nhiều dự án, công trình quan trọng.
Về đường bộ cao tốc, đã đưa vào khai thác thêm 109 km đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - QL46B, nâng tổng chiều dài lên 2.021 km. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, chuẩn bị đầu tư các dự án đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết trong năm 2024 đã thực hiện tăng lương cơ sở và điều chỉnh lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội từ ngày 1-7. Đồng thời, triển khai hiệu quả các giải pháp để bảo đảm tăng lương nhưng không tăng giá, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm...
Trong thời gia qua, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí tuân thủ, xóa bỏ cơ chế "xin - cho"; tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi. Chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và triển khai Đề án 06 đạt nhiều kết quả tích cực.
Tiếp tục xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục chấn chỉnh tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. Thực hiện nghiêm Chương trình, Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân được tăng cường.
Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thẳng thắn nêu rõ vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức như ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn...
Cùng với đó, nợ xấu có xu hướng tăng; khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2024 còn cao. Giải ngân vốn đầu tư công chậm; lãng phí trong quản lý tài sản công, đất đai… còn lớn... "Thể chế, pháp luật còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ, vẫn còn tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh"- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Chính phủ, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Sạt lở, ngập úng, sụt lún, khô hạn, ùn tắc, tai nạn giao thông, cháy nổ, ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải vẫn là thách thức lớn. Thiên tai, bão lũ diễn biến khó lường. Tình hình an ninh, trật tự ở một số địa bàn, tội phạm ma túy, công nghệ cao, lừa đảo qua mạng còn phức tạp.
Trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ, các bộ ngành, địa phương sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu của năm 2024, từ đó tập trung với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phấn đấu đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu.
Bên cạnh đó, phấn đấu tốc độ tăng GDP cả năm đạt trên 7%, kiểm soát lạm phát dưới 4,5%; tăng trưởng tín dụng khoảng 15%; thu ngân sách tăng trên 10%; tỉ lệ giải ngân đầu tư công tối thiểu 95% kế hoạch.
Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, sửa đổi các quy định pháp luật còn vướng mắc. Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia đi đôi với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Bình luận (0)