Ngày 30-10, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu
Theo tờ trình do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng trình bày, việc sửa đổi các luật nêu trên nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.
Điểm đáng chú ý tại lần sửa đổi này là Chính phủ đề xuất tiếp tục áp dụng hình thức hợp đồng BT (Xây dựng - Chuyển giao) trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự thảo luật quy định tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng tiền và thanh toán bằng quỹ đất theo hướng đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập trong việc thực hiện loại hợp đồng này.
Theo đó, dự thảo luật quy định chặt chẽ hơn đối với tổng mức đầu tư phải được xác định chính xác, tránh nâng khống giá trị công trình; phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư phải được xác định cụ thể, minh bạch ngay từ giai đoạn lập dự án.
Dự thảo luật bổ sung loại hợp đồng BT không yêu cầu thanh toán để áp dụng đối với các công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công do nhà đầu tư tự đề xuất đầu tư xây dựng và chuyển giao cho Nhà nước mà không yêu cầu thanh toán chi phí đầu tư xây dựng.
Theo Chính phủ, so với đầu tư công, đầu tư theo hợp đồng BT có một số lợi thế, như: Tận dụng được nguồn vốn từ khu vực tư nhân; nhà đầu tư chủ động được nguồn vốn nên đẩy nhanh được tiến độ xây dựng công trình, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng.
Thời gian qua, trên cơ sở đề xuất của TP Hà Nội, TP HCM và Nghệ An, Quốc hội đã cho phép các địa phương này được áp dụng loại Hợp đồng BT; một số địa phương khác tiếp tục kiến nghị được thí điểm áp dụng loại hợp đồng này. Do vậy, việc mở rộng áp dụng là cần thiết để khai thác tối đa lợi thế của loại hợp đồng này.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết Quốc hội đã cho phép thí điểm loại hợp đồng BT tại một số địa phương như TP Hà Nội, TP HCM, tỉnh Nghệ An.
Các quy định này mới được thí điểm, chưa được tổng kết, đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng, chưa đủ thời gian kiểm nghiệm trên thực tế. Bên cạnh đó, nội dung quy định về loại hợp đồng BT tại khoản 10 Điều 4 dự thảo Luật đang có sự khác biệt so với quy định tại Luật Thủ đô và các Nghị quyết thí điểm.
Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh quy định tại dự thảo Luật hiện tại vẫn chưa giải quyết được các vấn đề đặt ra khi dừng thực hiện loại hợp đồng BT trong thời gian qua. Do đó, Ủy ban Kinh tế cho rằng chưa đủ cơ sở để luật hóa các quy định về cơ chế, trình tự, thủ tục của loại hợp đồng BT tại dự thảo Luật.
Để bảo đảm tính khả thi của quy định về loại hợp đồng BT, đề nghị quy định theo hướng giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết đối với cơ chế, trình tự, thủ tục của loại hợp đồng BT theo nguyên tắc đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập, hạn chế trong việc thực hiện, phát huy lợi thế của loại hợp đồng BT, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Trước đó, tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được Quốc hội khóa XIV thông qua năm 2020, có hiệu lực từ đầu năm 2021, đã bỏ hình thức hợp đồng BT.
Bình luận (0)