Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết việc ban hành luật nhằm phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước. Đồng thời, với hàng lang pháp lý hoàn thiện sẽ tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Theo tờ trình, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, căn cứ trên tình hình thực tế, Bộ TTTT đề xuất bổ sung nội dung về tài sản số, trí tuệ nhân tạo AI và điều chỉnh nội dung vi mạch bán dẫn thành bán dẫn.
Nội dung dự thảo luật thể hiện công nghiệp bán dẫn là một phân ngành quan trọng của công nghiệp công nghệ số, tương đối hoàn chỉnh mang tính vật lý cao, có quy mô đủ lớn. Dự thảo luật quy định Chương "Công nghiệp bán dẫn" thay cho "vi mạch bán dẫn" nhằm bảo đảm tính bao quát, tổng thể, đầy đủ các công đoạn của hoạt động công nghiệp bán dẫn, phù hợp với mục tiêu, đối tượng quản lý và đồng bộ với Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn.
Đánh giá trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong các công nghệ số cốt lõi nhất, dự thảo luật đã đưa ra định nghĩa, các nguyên tắc quản lý và phát triển, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Đối với tài sản số, dự thảo luật quy định đây là tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao, xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử và được pháp luật bảo hộ như quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan. Tài sản mã hóa là một loại tài sản số.
Dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết loại hình, quản lý tài sản số và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số hóa tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn; biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phòng chống, ngăn chặn, hạn chế và xử lý các rủi ro liên quan đến tài sản số.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết Uỷ ban cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số.
Theo cơ quan thẩm tra, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công nghiệp công nghệ số thì cần có chính sách rõ ràng, khả thi, đủ mạnh, tập trung vào những yếu tố cốt lõi để phát triển một ngành công nghiệp như nghiên cứu triển khai (R&D), hạ tầng, tài chính, nhân lực, thị trường...;hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư…
Theo ông Lê Quang Huy, việc quy định về tài sản số trong dự thảo luật là cần thiết. Tuy nhiên, quản lý tài sản số là một vấn đề mới, phức tạp nên cần cân nhắc kỹ lưỡng trong đó cần nghiên cứu, làm rõ một số nội dung về phân loại tài sản số và xây dựng các quy định quản lý tương ứng.
Đồng thời, cần làm rõ các yếu tố về quyền sở hữu, thừa kế và sử dụng; biện pháp bảo mật, giao dịch tài sản số, xử lý khiếu nại của người dùng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; phù hợp với thông lệ quốc tế, thuận lợi cho các giao dịch; bảo đảm quản lý chặt chẽ, chống rửa tiền và minh bạch hóa thị trường.
Thống nhất cần có quy định về công nghiệp bán dẫn, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, có chính sách ưu đãi vượt trội, khả thi; xem xét bổ sung một số quy định về chính sách ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học; quy định về bảo đảm cung cấp cơ sở hạ tầng nhất là điện sạch, nước sạch… cho phù hợp.
Đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, cơ quan thẩm tra cho rằng, cần nghiên cứu toàn diện (cả những vấn đề về sở hữu và các quyền tài sản và quyền nhân thân đối với dữ liệu; vấn đề tôn trọng quyền tác giả;…) để xây dựng một đạo luật riêng về trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam.
Bình luận (0)