Chiều 6-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về "tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" chủ trì phiên họp thứ tám của Ban Chỉ đạo.
Phiên họp đã tập trung thảo luận việc kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) và việc chuyển quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty; việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng nêu rõ trong quá trình phát triển, chúng ta đã áp dụng các mô hình khác nhau trong quản lý doanh nghiệp Nhà nước, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phù hợp theo từng thời kỳ.
Tuy nhiên, mô hình hiện nay vẫn có những hạn chế, một phần do quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Do đó, cần tiếp tục sắp xếp, đổi mới theo hướng tách bạch nhiệm vụ quản lý Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo Thủ tướng, việc sắp xếp mô hình, tổ chức với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải trên tinh thần "đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết" để vốn Nhà nước được quản lý tốt nhất và phát triển tốt nhất, phục vụ cho phát triển đất nước thời kỳ mới.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu lựa chọn phương án tối ưu khi kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và việc chuyển quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty.
Phương án tối ưu cần được xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo, khách quan, khoa học, phù hợp với tình hình đất nước để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Theo Thủ tướng, một số tập đoàn, tổng công ty thực hiện vai trò bảo đảm các cân đối lớn, được giao các nhiệm vụ chiến lược quốc gia thì nghiên cứu, đề xuất mô hình thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Đồng thời, phải phân cấp phân quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp, tăng cường tính chủ động, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường.
Để đảm bảo đồng bộ trong hệ thống pháp luật, Thủ tướng giao Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật số 69/2014/QH13 để Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 2 sắp tới, nhằm giải quyết các nút thắt, vướng mắc hiện nay. Bên cạnh đó, công tác cán bộ tại các doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Đảng, Nhà nước và việc đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp cần tổng thể.
Về mô hình tổ chức cơ quan thống kê, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không trùng lắp, chồng chéo chức năng nhiệm vụ với các cơ quan khác, giảm khâu trung gian, giảm đầu mối, giảm thủ tục hành chính.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp thu ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo và căn cứ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, tham khảo mô hình quốc tế, nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất mô hình phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
Theo kế hoạch định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động; quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước với 19 tập đoàn, tổng công ty sẽ chuyển về các bộ quản lý ngành.
Ủy ban được lập vào tháng 2-2018, là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Đến nay, tổng vốn chủ sở hữu 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1,18 triệu tỉ đồng (tăng 11% so với năm 2018); tổng tài sản đạt 2,54 triệu tỉ đồng (tăng 5%); tổng doanh thu hợp nhất đạt 1,85 triệu tỉ đồng (tăng 44%).
Bình luận (0)