Ngày 24-6, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chủ trì các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) không chính thức, Hội nghị Cộng đồng Chính trị An ninh (APSCC) và Hội đồng Điều phối ASEAN lần thứ 26 (ACC). Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN đã tham dự các hoạt động này. Các nước đã trao đổi về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, diễn biến tình hình khu vực và quốc tế, quan hệ đối ngoại của ASEAN và những vấn đề khác cùng quan tâm.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN lần thứ 21 dưới hình thức trực tuyến với sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước ASEAN và Tổng thư ký ASEAN - Ảnh: Bộ Ngoại giao
Rà soát chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, các nước bày tỏ đánh giá cao Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, đã nỗ lực, sáng tạo tổ chức đầy đủ, chu đáo các hoạt động của ASEAN thông qua phương thức họp trực tuyến. Các nước nhất trí với các chương trình hoạt động, chương trình nghị sự của Cấp cao ASEAN 36 do Việt Nam đề xuất. Theo đó, Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 sẽ được tổ chức trực tuyến ngày 26-6-2020 với các hoạt động chính gồm Lễ khai mạc, Phiên toàn thể và các cuộc đối thoại giữa Lãnh đạo các nước ASEAN với Đại diện Hội đồng Liên minh nghị viện ASEAN (AIPA), thanh niên ASEAN và Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC). Đặc biệt, Lãnh đạo Cấp cao sẽ có phiên đối thoại đặc biệt về trao quyền cho phụ nữ… Các nước khẳng định Lãnh đạo Cấp cao nước mình sẽ dự và phát biểu tại các hoạt động này.
Trong trao đổi, các nước tái khẳng định tinh thần "gắn kết và chủ động thích ứng" của ASEAN, cho rằng đại dịch Covid-19 không ngăn cản được tinh thần đoàn kết, hợp tác, năng động và sáng tạo của ASEAN. Minh chứng rõ nét là những thành công trong kiểm soát dịch bệnh trong khu vực, sự quan tâm, hỗ trợ và hợp tác của cộng đồng quốc tế, các đối tác với ASEAN. Đa số các ý kiến cho rằng thời gian qua, ASEAN đã thực sự trở thành lực lượng trung tâm trong kiểm soát dịch bệnh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong khu vực. Các Bộ trưởng đều nhất trí đã đến lúc ASEAN cần có những bước đi mới, tăng cường phòng chống dịch bệnh tái bùng phát, xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển sau dịch bệnh. Trong quá trình này, đối thoại, hợp tác vẫn cần tiếp tục là phương cách chủ yếu trong quan hệ giữa các quốc gia.
Điểm lại tiến trình triển khai các ưu tiên trong 2020, các nước đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam, Chủ tịch ASEAN 2020, tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện các sáng kiến hướng tới Cộng đồng "ASEAN Gắn kết và chủ động thích ứng." Các Ngoại trưởng bày tỏ ủng hộ và sẵn sàng hợp tác thực hiện các sáng kiến do Việt Nam đề xuất như hoàn tất đánh giá giữa kỳ các Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN và xây dựng định hướng phát triển của ASEAN sau 2025, nâng tầm hợp tác tiểu vùng…
Trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế, các nước nhất trí ASEAN cần vững vàng và ứng phó có bản lĩnh trước những thách thức đang được đặt ra, đặc biệt ASEAN cần duy trì tiếng nói chung đối với các vấn đề khu vực và quốc tế. Theo đó, các Bộ trưởng đã khẳng định lại quan điểm của ASEAN về các vấn đề như tình hình Biển Đông, Bang Rakhine (Myanmar), bán đảo Triều Tiên... Riêng về Biển Đông, các nước nhất trí, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trong khu vực cần được coi là ưu tiên cao, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi cộng đồng thế giới đang tập trung các nỗ lực chung tay ứng phó với đại dịch Covid-19. Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng kiềm chế không có các hành động làm phức tạp tình hình, đề cao luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nhanh chóng khôi phục đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982).
Hội nghị ACC lần thứ 26 đã thông qua 6 Báo cáo của Tổng Thư ký ASEAN và các trụ cột Cộng đồng trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36; chấp thuận việc bổ nhiệm Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Chính trị-An ninh nhiệm kỳ 2021-2024
Toàn cảnh Hội nghị Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN lần thứ 21
Phát biểu tại các cuộc họp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh bày tỏ đánh giá cao tinh thần đoàn kết, hợp tác của ASEAN, nhấn mạnh đây không chỉ là nhân tố then chốt bảo đảm hòa bình ổn định trong khu vực mà còn là nền tảng giúp ASEAN vượt qua những thách thực của đại dịch Covid-19. Với tư cách Chủ tịch AMM, APSCC và ACC, Phó Thủ tướng Bộ trưởng đã điều hành công tác kiểm điểm hoạt động của cơ chế này trong thời gian qua.
Phó Thủ tướng đánh giá cao những kết quả các mặt đạt được trong triển khai Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị An ninh, nhất là việc 96% các dòng hành động đã được triển khai. Trong phát biểu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chỉ ra bên cạnh những thành quả chung, vẫn còn những hạn chế, trong đó nổi lên có bộ máy hoạt động của Cộng đồng vẫn chưa thực sự khoa học, hợp lý. Thay mặt các Ngoại trưởng ASEAN, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho quan chức cao cấp các cơ quan trực thuộc của APSC phối hợp tổ chức đánh giá giữa kỳ hoạt động xây dựng Cộng đồng, tạo tiền đề cho ASEAN phát triển sau 2025.
Điểm lại hoạt động hợp tác của ASEAN thời gian qua trong phòng chống và kiểm soát COVID-19, Phó Thủ tướng đánh giá cao các sáng kiến như lập quỹ ASEAN phòng chống COVID, kho dự trữ vật tư y tế, xây dựng quy trình ứng phó dịch bệnh chuẩn của ASEAN và xây dựng Kế hoạch phục hồi; nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, hợp tác của ASEAN, kêu gọi các nước sớm triển khai các sáng kiến này, đồng thời cần khẩn trương xây dựng kế hoạch phục hồi tổng thể sau dịch bệnh. Kết quả triển khai các sáng kiến này sẽ được báo cáo lên Lãnh đạo Cấp cao nhân Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 (Hà Nội, tháng 11-2020).
Phát biểu về tình hình quốc tế và khu vực, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây trên Biển Đông, khẳng định lập trường nhất quán của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo đó, các nước cần phát huy tinh thần trách nhiệm, đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Trong quá trình này, cần hết sức đề cao luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện tự kiềm chế, tránh các hành động làm phức tạp tình hình, quân sự hóa, thực hiện đầy đủ DOC và xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
Kết thúc các cuộc họp, các Ngoại trưởng khẳng định sẽ phấn đấu tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các hội nghị liên quan vào cuối tháng 7, đầu tháng 8-2020 tại Hà Nội
Bình luận (0)