Sáng nay (30-10), trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhìn nhận nguyên tắc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương nói chung cũng như trong vấn đề cải cách hành chính, tinh giản bộ máy nói riêng chưa được thực hiện nhất quán và đây chính là một bất cập trong công cuộc cải cách hành chính.
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm - Ảnh: Nguyễn Nam
"Thủ tướng đã rất mạnh mẽ, mạnh dạn phân cấp cho địa phương, nhưng một số bộ ngành lại không mạnh dạn và dường như chưa quan tâm đầy đủ đến việc phân cấp, phân quyền. Không thể để các bộ ngành kéo dài tình trạng này được. Vừa rồi Quốc hội đã giám sát và nhiều vấn đề đã rõ rồi thì tôi cho rằng đây là cơ hội để Quốc hội quyết định trong nghị quyết của Quốc hội" - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.
Về báo cáo giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 cho rằng "nói đến giảm biên chế, hội họp nhiều gây lãng phí về thời gian, kinh phí, quyết định vấn đề chậm nhưng chưa phân tích sâu, chưa "điểm huyệt" đúng tình trạng này", ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm thẳng thắn nói: "Một việc mà cả 4 cấp đều làm, nhiệm vụ chức năng chồng chéo nhau thì đương nhiên phải họp. Cấp này lại phải xin ý kiến cấp kia, cấp kia lại xin ý kiến cấp khác, không biết bao giờ trả lời, nên thiệt thòi trước hết là người dân và doanh nghiệp".
Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, rất cần đánh giá đúng vai trò của cấp chính quyền ở phường, xã, thị trấn, bởi đây là cấp chính quyền sát dân nhất, trực tiếp giải quyết vấn đề cụ thể của nhân dân.
Minh hoạ cho thực tế hiện nay, Chủ tịch HĐND TP HCM ví von: "Có thể coi cấp này như một cái lu, bao nhiêu nước máng xối đều đổ về "cái lu" này. Tôi cho rằng cần xác định chức năng nhiệm vụ cho đúng đắn, từ đó bố trí biên chế thế nào cho đủ để làm việc, tránh việc phân biệt chuyên trách và không chuyên trách. Lằn ranh về nhiệm vụ rất mong manh, nhưng chế độ lại rất khác biệt, sinh ra không công bằng. Bên cạnh đó, cần nâng cao thu nhập của cán bộ công chức, đủ để đạt mức sống trung bình khá trở lên thì họ mới toàn tâm toàn ý làm việc được. Mức lương hiện nay thực sự là quá thấp".
Từ đó, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm kiến nghị áp dụng cơ chế khoán kinh phí một cách chủ động cho chính quyền địa phương, tự địa phương sẽ quyết định lương cán bộ phù hợp với năng suất lao động, chức năng được giao.
"Tiến hành việc khoán kinh phí thì công vụ của cán bộ công chức sẽ song hành với chế độ mà họ được thụ hưởng, tạo động lực cho họ làm việc" - bà Tâm nhìn nhận.
Về nhận xét trong Báo cáo của Chính phủ về việc đội ngũ công chức địa phương vượt 8.000 biên chế, trong đó TP HCM cũng vượt nhiều so với quy định, ĐB Quyết Tâm giải thích thời gian qua việc phân biên chế có tính cào bằng. Nghĩa là không phân định được tính chất của từng địa phương như số dân, địa vị chính trị, điều kiện kinh tế, số lượng công vụ mà bộ máy ở đó phải đáp ứng.
"TPHCM có trên dưới 10 triệu dân, lượng công vụ ở đó gấp bao nhiêu lần địa phương khác, vậy thì tổ chức bộ máy phải tương thích với nhiệm vụ đó chứ không thể cào bằng. Nói như vậy không có nghĩa là TP HCM đã làm tốt hết, chúng tôi vẫn tính toán sắp xếp lại, theo hướng tinh giản bộ máy, đồng thời có chính sách thu hút người có khả năng vào phục vụ trong bộ máy" - bà Tâm chia sẻ.
Hà Nội đề xuất cơ chế tự nguyện chuyển chỗ làm
Trả lời báo chí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết quá trình sắp xếp, tinh giản biên chế bao giờ cán bộ, công chức cũng có tâm tư. Tuy nhiên, nếu làm tốt công tác tuyên truyền, cán bộ, công chức cũng chia sẻ.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải
Bởi vì khi mình đưa ra bộ máy thì ai cũng phấn khởi, thành lập thêm phòng, thêm ban, thêm công văn việc làm, thêm chỗ giải quyết cho "con ông cháu cha". Những nếu việc tinh giản, sắp xếp bộ máy làm tốt công tác tuyên truyền thì mọi người cũng chia sẻ. Ví dụ mọi người cùng thấy là số lượng nhiều quá, số người ngồi chơi lại nhiều hơn người làm. Khi mình làm động tác đấy thì mọi người cùng thấy hợp lý, cùng chia sẻ thì sẽ cùng hi sinh. Do vậy, trong thời gian qua, số cán bộ công chức, viên chức và đặc biệt là cán bộ lãnh đạo các cấp cũng nhận thức được.
Ví dụ như Ban quản lý dự án khi làm cũng có đồng chí nói là hợp lý bởi cả ban chúng tôi một năm có một hai dự án, nuôi mấy chục con người thế này. Lấy người vào rất dễ nhưng việc không có, rồi không có tiền trả lương.
"Việc quan trọng là anh làm thế nào để minh bạch, để người ta không thấy là qua việc này cuối cùng những người "cánh hẩu" thì được còn những người không ấy thì bị loại. Cái đó là cần thiết, hHN làm được vấn đề này minh bạch thì anh em mới không tâm tư. Tâm tư chính là khi anh loại những người làm được việc ra. Cái đó mới là cái quan trọng, kể cả khi anh đẻ ra bộ máy mà người ta thấy không minh bạch thì người ta vẫn thấy không đồng tình"- ông Hải nói.
Theo ông Hoàng Trung Hải, TP Hà Nội cũng đang đề nghị Chính phủ cho xây dựng cơ chế tự nguyện.
"Tức là ai tự nguyên xin nghỉ làm việc khác thì có cơ chế gì hỗ trợ cho tôi không, ngoài những chính sách của nhà nươc. TP muốn đề xuất như thế, kiểu như người ở lại hỗ trợ người đi ra, thì người ta sẵn sàng đi ra để nhận công việc khác. Thường các nước làm sơ đồ như vậy, đây là sơ đồ rất nhân văn"- ông Hoàng Trung Hải nói.
Bình luận (0)