Đó là khẳng định của ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT tại hội thảo "Phát triển công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ.
Thu hút nhiều dự án FDI
Đề xuất các hoạt động liên kết vùng trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), bà Trần Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư phía Nam - Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ KH-ĐT), khẳng định vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng phát triển năng động và có tỷ trọng đóng góp lớn nhất cả nước. Đây là vùng kinh tế có khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Việt Nam.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ về đầu tư giữa UBND tỉnh BR-VT và các doanh nghiệp, nhà đầu tư
Tính đến tháng 11-2022, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã thu hút 19.835 dự án FDI với tổng mức đầu tư trên 192.114 triệu USD. Trong đó, BR-VT đã thu hút được 532 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 33,2 tỷ USD.
Theo bà Trần Thị Hải Yến, để đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng trong thu hút các đầu tư nước ngoài, không chỉ riêng BR-VT, các tỉnh cần chú trọng tới các vấn đề như liên kết vùng trong hoạch định chính sách hỗ trợ, ưu đãi đồng bộ. Cùng với đó, hướng dẫn, thông tin và tư vấn cho nhà đầu tư lựa chọn vùng mục tiêu và lĩnh vực đầu tư….
Bà Yến cũng cho rằng cần liên kết tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu lao động của kinh tế vùng. Ben cạnh đó, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại để kết nối với hạ tầng giao thông khu vực…
Là đối tác quan trọng của tỉnh, nhiều năm qua ngoài việc thúc đẩy nguồn vốn đầu tư Nhật Bản đến BR-VT, đại diện thường trú Văn phòng JICA chi nhánh TP HCM, ông Masuda Chikahiro, cho biết thế mạnh của địa phương trong thu hút đầu tư là cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải có thể đón tàu container thế hệ mới trên 200.000 tấn. Về tài nguyên và thiên nhiên, hơn 93% lượng dầu và 17% lượng khí thiên nhiên của Việt Nam nằm ở thềm lục địa ngoài khơi BR-VT, đứng thứ 5 châu Á về khai thác dầu khí. Đây là địa điểm tốt nhất cho phát triển công nghiệp nặng và công nghiệp hóa chất khi 70% sản lượng thép luyện theo công nghệ lò điện ở Việt Nam.
Ông Masuda Chikahiro cũng giới thiệu tại hội thảo dự thảo dự án mới của JICA tại BR-VT. Đó là Dự án hỗ trợ kỹ thuật Xây dựng quy chế khu công nghiệp kiểu mẫu – khu công nghiệp thông minh theo định hướng sinh thái và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành khu công nghiệp tại tỉnh. "Mục tiêu của dự án là mô hình phát triển của BR-VT trở thành chuẩn quốc gia để xúc tiến các khu công nghiệp thân thiện với môi trường và các khu công nghiệp thông minh theo định hướng sinh thái, đóng góp vào việc phát triển bền vững của địa phương"- ông Masuda Chikahiro khẳng định.
BR-VT định hướng phát triển công nghiệp "sạch", công nghệ hiện đại, ít thâm dụng lao động
Ông Toshito Kazama, Chuyên gia Cố vấn Văn phòng Japan Desk Bà Rịa - Vũng Tàu, đại diện tổ chức JETRO, cho biết bất chấp các tác động tiêu cực của dịch COVID-19 các dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam vẫn không ngừng tăng. Kết quả đó là nhờ chính sách thương mại tự do, sự tích cực trong thu hút đầu tư và ý định cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Kết quả khảo sát gần đây của JETRO cho thấy có tới 55% công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong 1 đến 2 năm tới, cao nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam cũng là thị trường ưa chuộng xếp thứ 2 trên thế giới (sau MỸ) cho việc mở rộng kinh doanh của các DN Nhật Bản.
Dự án Kho chứa 1 triệu tấn LNG Thị Vải do Tổng công ty Khí Việt Nam làm chủ đầu tư đã đạt gần 100% tiến độ
Phát triển công nghiệp "xanh"
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT, nhấn mạnh trong giai đoạn tới, cùng với đà phát triển của cả nước và các tỉnh, thành, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ tạo ra nhiều lợi thế, nhiều cơ hội mới cho tỉnh BR-VT. Với không gian phát triển rộng lớn và đồng bộ hơn, tỉnh BR-VT định hướng xây dựng mô hình phát triển kinh tế bền vững, trọng tâm tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh.
Địa phương cũng ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, không thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường.
Theo đó, định hướng tập trung phát triển mạnh một số ngành công nghiệp như cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, hóa dầu, sản phẩm hạ nguồn của ngành công nghiệp hóa dầu; công nghiệp năng lượng, công nghiệp vật liệu, công nghiệp dược, thiết bị y tế; công nghiệp môi trường,....
Hệ thống bồn bể chuyên dụng của Dự án Hóa dầu Long Sơn đã được đưa vào hoạt động
"BR-VT sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm về hạ tầng liên kết vùng, thúc đẩy cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh … để từ đó tiếp tục cùng song hành với các doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế cũng như nỗ lực vượt qua những thách thức, tận dụng tối đa các cơ hội để phát triển một cách bền vững"- ông Nguyễn Công Vinh khẳng định.
Đồng ý với các chính sách phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, công nghiệp "sạch" và các phương án đẩy mạnh phát triển công nghiệp liên kết vùng, đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tỉnh thành cũng đã trình bày các tham luận liên quan đến những thế mạnh cũng như các chính sách thu hút đầu tư vào địa phương. Nhiều Doanh nghiệp cũng khẳng định, liên kết vùng là xu hướng và cũng là yêu cầu tất yếu trong tình hình mới để BR-VT cũng như các địa phương trong khu vực cùng phát triển và hội nhập.
Theo kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI công bố, năm 2021, tỉnh BR-VT xếp hạng 9 với 69,03 điểm, tăng 6 bậc so với năm 2020. Đây là mức cao nhất tỉnh này đạt được trong vòng 6 năm qua.
Kết quả này giúp BR-VT vươn lên vị trí thứ 2 trong khu vực Đông Nam Bộ. Lãnh đạo tỉnh BR-VT xác định, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là một trong những mục tiêu trọng tâm trong lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là mục tiêu để đưa BR-VT trở thành điểm đến tin cậy và triển vọng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Tại hội thảo, lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Đồng Nai cho hay Đồng Nai xác định thời gian tới chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng công nghiệp tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, chuyển các dự án sử dụng nhiều lao động về vùng nông thôn. Ngoài ra, thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa và chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, giảm nhập siêu, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Địa phương này cũng đặt ra mục tiêu các khu công nghiệp chuyển sang phát triển theo hướng khu công nghiệp sinh thái, công nghệ cao và khép kín với đầy đủ các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng; tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội.
Bình luận (0)