Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) Phạm Viết Thanh, năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng do chủ động trong dự báo, tranh thủ thời gian ngay từ đầu năm với sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của cả hệ thống chính trị; sự tin tưởng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, cộng đồng doanh nghiệp nên BR-VT đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt
Dẫn chứng cụ thể, ông Phạm Viết Thanh thông tin năm 2022, BR-VT có 12/16 chỉ tiêu kinh tế, 18/19 chỉ tiêu xã hội và 3/3 chỉ tiêu môi trường thực hiện đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Mục tiêu quan trọng nhất mà BR-VT đạt được, theo ông Phạm Viết Thanh, là việc kết thúc năm 2022, BR-VT trở thành một trong ít tỉnh, thành trong cả nước không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, về đích trước 3 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Ngoài ra, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước khoảng 109.800 tỉ đồng (đạt 153,4%); tổng vốn đầu tư trên địa bàn ước khoảng 55.214 tỉ đồng (tăng 3,91%), trong đó vốn đầu tư từ ngân sách là 12.652 tỉ đồng, vốn đầu tư của doanh nghiệp 42.562 tỉ đồng. Ở lĩnh vực công nghiệp, trong năm 2022 đã có thêm 10 dự án sản xuất công nghiệp đưa vào hoạt động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trừ dầu thô và khí đốt, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 10,66% so với năm 2021; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10,47% so với năm 2021 (vượt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra là 9,82%). Ở lĩnh vực du lịch, hoạt động du lịch nhanh chóng khôi phục và có sự tăng trưởng rất mạnh so với năm 2021, theo đó, doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 127,94%, doanh thu lữ hành tăng 137,37%.
Trong năm 2022, hoạt động du lịch của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhanh chóng khôi phục và có sự tăng trưởng rất mạnh so với năm 2021
Kế đến, thu hút đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký quy đổi khoảng 2,07 tỉ USD; phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc với 1.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 596 doanh nghiệp hoạt động trở lại; các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng của tỉnh đang được thực hiện theo đúng tiến độ yêu cầu… Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 47/47 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó 30/47 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 6/8 thành phố (huyện) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới hoặc đạt chuẩn Nông thôn mới; TP Vũng Tàu và huyện Côn Đảo đang tiếp tục triển khai và hoàn tất hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét, công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới.
Từ những kết quả khả quan trên, để tăng tốc phát triển, năm 2023, BR-VT đã đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), trừ dầu khí, tăng 8,1% - 8,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 8.321 USD; giá trị sản xuất công nghiệp, trừ dầu khí, tăng 9,24%; doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 11,16%; doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 12,83%; tổng thu ngân sách trên địa bàn khoảng 88.591 tỉ đồng...
Tập trung kết nối hạ tầng
Với quan điểm hạ tầng đi trước, Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh quyết tâm của tỉnh trong thực hiện các nghị quyết về đầu tư công, tài chính. "Quan điểm của tỉnh là tận dụng, sử dụng tốt mọi nguồn lực để tạo động lực cho sự phát triển, trong đó nội lực là chủ yếu. Do vậy, mục tiêu đặt ra là tăng thu và tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực chi cho đầu tư phát triển" - ông Nguyễn Văn Thọ nói.
Để kế hoạch được thực hiện đúng tiến độ, Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT chỉ đạo các cấp rà soát, xác định tính cấp thiết, thứ tự ưu tiên - nhất là các dự án hạ tầng giao thông kết nối; tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đi đôi với tăng cường kiểm soát, gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư bảo đảm giải ngân hết vốn đầu tư công. Đặc biệt, khẩn trương hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án bố trí vốn chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020, nhằm phát huy hiệu quả dự án và không để chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 - 2030; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đã khởi công mới trong năm 2021, 2022 và 2023 bảo đảm khối lượng và giải ngân hết vốn đã bố trí theo kế hoạch.
Ông Phạm Viết Thanh cho rằng năm 2023, tuy có những thuận lợi từ kết quả đạt được trong năm 2022 nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó khăn, thách thức nên BR-VT xác định tập trung phát triển kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, khai thác và phát huy hiệu quả các nguồn lực; bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân…
Để thực hiện được những mục tiêu đề ra, ông Phạm Viết Thanh chỉ đạo UBND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó cần triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để khởi công xây dựng các dự án đã được phê duyệt. "Đề nghị rà soát tính khả thi và hoàn tất thủ tục theo quy định, cân đối vốn để lập và trình HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 53 dự án dự kiến mở mới; rà soát xác định những khó khăn, vướng mắc và tính khả thi của 74 dự án được phép kéo dài thời gian bố trí vốn để xây dựng kế hoạch, lộ trình hoàn thành dứt điểm các dự án này trình kỳ họp chuyên đề của HDND trong quý II/2023" - ông Phạm Viết Thanh yêu cầu.
Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh BR-VT nhấn mạnh phải nhanh chóng triển khai hoàn thành các thủ tục phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư, tổ chức đấu thầu, chọn thầu và khởi công đúng tiến độ các dự án giao thông trọng điểm như cầu Phước An, đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận (đường 994), cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu... Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, các dự án hạ tầng trọng điểm của huyện Côn Đảo, Nhà máy Xử lý rác Tóc Tiên và các dự án trọng điểm khác.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp
Ngày 12-12, UBND tỉnh BR-VT tổ chức hội thảo "Phát triển công nghiệp tỉnh BR-VT trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam". Tham dự hội thảo có lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An...
Hội thảo đã chia sẻ các thông tin về định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh BR-VT và các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đó, đề xuất các giải pháp tối ưu để xây dựng cơ sở dữ liệu, tiến đến cam kết chia sẻ cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ của các địa phương nhằm tạo chuỗi liên kết, tăng giá trị sản xuất trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bình luận (0)