Chiều 15-11, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020, đã chủ trì Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan và Chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN cho Brunei theo hình thức trực tuyến.
Tại Lễ bế mạc, Việt Nam đã thực hiện nghi lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN cho Brunei Darussalam, nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2021.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi lễ trao chiếc búa gỗ cho Đại sứ Brunei tại Việt Nam.
Xem toàn văn phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ Bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại đây.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN cho Brunei - nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2021 - Ảnh: TTXVN
Phát biểu tại Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các cấp cao liên quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với tinh thần "Gắn kết và Chủ động thích ứng," vượt qua rào cản không gian, thời gian lẫn hình thức tương tác, các đại biểu đã có những ngày làm việc rất hiệu quả.
"Lãnh đạo các nước ASEAN đã trao đổi, thống nhất nhiều biện pháp quyết liệt, thiết thực đẩy mạnh hợp tác ứng phó và vượt qua các thách thức mà ASEAN phải đối mặt, trong đó có dịch bệnh Covid-19, giữ vững đà hợp tác và đưa ra những định hướng lớn cho Cộng đồng ASEAN phát triển ngày càng vững mạnh, thực sự trở thành hạt nhân của khu vực với người dân luôn ở vị trí trung tâm"- Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng cho biết, các Hội nghị lần này đã nhất trí nhiều nội dung quan trọng tạo dựng động lực mới cho quan hệ giữa ASEAN với các Đối tác, khẳng định cam kết mạnh mẽ với hợp tác đa phương cũng như liên kết và tự do hóa kinh tế. Chia sẻ quan điểm về các vấn đề của khu vực và quốc tế đang nổi lên, nhất trí vai trò trung tâm của ASEAN cần được duy trì và tiếp tục phát huy, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, ngăn ngừa xung đột, xây dựng lòng tin, kiến tạo cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao chiếc búa gỗ cho Đại sứ Brunei tại Việt Nam - Ảnh: VGP
Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan đã bế mạc chiều 15-1 theo hình thức trực tuyến - Ảnh: TTXVN
"Năm 2020 thực sự là một năm đầy thử thách với khối lượng công việc khổng lồ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Sau hơn 5 thập kỷ hình thành và phát triển, ASEAN tiếp tục khẳng định sức mạnh của tình đoàn kết, năng lực tự cường và khả năng thích ứng linh hoạt với các thách thức"- Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho biết, tại các Hội nghị cấp cao lần này, lãnh đạo các nước đã thống nhất thông qua nhiều quyết sách quan trọng bao gồm: Báo cáo Đánh giá giữa kỳ các Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, nhất trí về sự cần thiết tiến hành; rà soát triển khai Hiến chương ASEAN, khẳng định nỗ lực phát huy tích cực vai trò của ASEAN thúc đẩy hợp tác tiểu vùng gắn với tiến trình phát triển của ASEAN để mọi người dân, mọi vùng miền có được cơ hội đóng góp cho cộng đồng. Hội nghị cũng đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 với kỳ vọng xây dựng nền tảng vững chắc cho con đường phát triển phía trước của Cộng đồng ASEAN.
Hướng tới một Cộng đồng ASEAN giàu bản sắc, Lãnh đạo ASEAN khuyến khích treo cờ ASEAN và sử dụng ASEAN ca, đưa hình ảnh ASEAN gần với người dân và cộng đồng. Nhân dịp này, Lãnh đạo các nước đã thông qua Bản Tường thuật về Bản sắc ASEAN và ra Tuyên bố Hà Nội về Tăng cường công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng. Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần đầu tiên được tổ chức, là cơ hội quý để phụ nữ các nước ASEAN đóng góp cho các nỗ lực phát triển và tăng trưởng bền vững của khu vực.
Nhiều sáng kiến của ASEAN về hợp tác ứng phó Covid-19 và các nguy cơ dịch bệnh được công bố và đưa vào triển khai, như Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, Quy trình ứng phó chuẩn của ASEAN đối với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, và Trung tâm y tế ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi. ASEAN cũng thông qua Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai đồng bộ trên cả 3 trụ cột Cộng đồng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống kinh tế-xã hội ở các quốc gia.
Không ngừng mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các Đối tác, ASEAN nhất trí mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) để Cuba, Colombia và Nam Phi tham gia, nâng tổng số lên 43 nước. Hội nghị Cấp cao Đông Á EAS-15 cũng thông qua các Tuyên bố quan trọng, trong đó có Tuyên bố về 15 năm EAS. Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo ASEAN+3 về Tăng cường năng lực tự cường kinh tế-tài chính trước các thách thức, một lần nữa khẳng định vai trò và thế mạnh của khuôn khổ ASEAN+3 trong ngăn ngừa và ứng phó các nguy cơ khủng hoảng kinh tế-tài chính ở khu vực. Việc ASEAN và các Đối tác kế thúc đàm phán (và ký chính thức) Hiệp định RCEP thể hiện cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của các nước trong khu vực thúc đẩy tự do hóa và liên kết kinh tế, rất đáng khích lệ. Hơn 80 văn kiện đã được thông qua - con số văn kiện cao nhất trong một kỳ cấp cao ASEAN.
"Với những hành trang phong phú của năm 2020 và của các năm trước đây, ASEAN có thể tự tin vững bước vào thập niên thứ 6 - một chặng đường dài không ít thách thức nhưng cũng đầy hứa hẹn đang dần mở ra"- Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng bày tỏ tin tưởng Brunei Darussalam trong vai trò Chủ tịch kế tiếp sẽ tiếp tục đưa ASEAN tiến lên phía trước, hướng tới một Cộng đồng ASEAN với tầm nhìn liên kết sâu rộng, chủ động thích ứng, phục hồi toàn diện và phát triển bền vững.
Bình luận (0)