Thông tin từ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 (BVDC 2.3) đang làm nhiệm vụ tại phái bộ Gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan cho biết tại địa bàn hoạt động cách Tổ quốc Việt Nam hơn 10.000 km, bệnh viện không chỉ làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân viên phái bộ mà còn song song triển khai những biện pháp chống dịch Covid-19 hiệu quả, chung tay đẩy lùi đại dịch.
Các bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam phẫu thuật cấp cứu một binh lính Liên Hợp Quốc quốc tịch Mông Cổ 22 tuổi hôm 27-6 - Ảnh: BVDC 2.3
Việc tiêm chủng vắc-xin là một phần tất yếu trong chiến lược phòng chống đại dịch tại bệnh viện. Đáng chú ý, trong chiến dịch tiêm chủng của Liên Hiệp Quốc (LHQ), BVDC 2.3 sẽ phụ trách tiêm chủng cho 500 nhân viên của LHQ; giám sát quy trình và hỗ trợ chuyên môn tất cả các bệnh viện cấp 1 trong Phái bộ (gồm lực lượng cảnh sát và quân đội cùng các thành phần khác từ các nước Ghana, Mông Cổ, Campuchia, Pakistan và Ấn Độ) trong việc tiêm chủng cũng như theo dõi các phản ứng và xử lý các biến chứng sau tiêm chủng.
Được biết, trước khi xuất phát thực hiện nhiệm vụ quốc tế, toàn bộ nhân viên BVDC 2.3 đã được huấn luyện, trang bị đầy đủ những kiến thức cần thiết về phòng chống, điều trị bệnh Covid-19 như cách lấy mẫu xét nghiệm, chuyển bệnh nhân, quy trình cách ly các trường hợp nghi ngờ cũng như điều trị các trường hợp nặng, nguy kịch, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, giảng viên nhiều kinh nghiệm về phòng chống Covid đến từ Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP HCM, Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Quân y 175...
Việc vận hành chống dịch tại phái bộ khá nhuần nhuyễn bởi BVDC 2.3 đã học tập, rút kinh nghiệm Quy trình dự phòng và bố trí khu vực cách ly của BVDC 2.2 để điều hành bệnh viện theo tình hình hiện tại.
Việc sàng lọc rất quan trọng trong việc phát hiện các trường hợp nghi ngờ và được BVDC 2.3 thực hiện ngay từ cổng vào, giống các quy trình thực hiện tại Việt Nam và theo hướng dẫn của LHQ. Tại cổng gác, những trường hợp nghi ngờ Covid-19 được chuyển vào khu vực cách ly, nơi luôn có 1 tổ trực Covid gồm 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng, mặc đồ phòng hộ cá nhân, sẵn sàng tiếp nhận, khám và xác định những trường hợp nghi ngờ hay xác định Covid-19 để có hướng điều trị phù hợp với mức độ của bệnh. Đặc biệt, BVDC 2.3 đã được LHQ trang bị máy xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên Covid 19.
Bác sĩ BVDC 2.3 trao đổi với bệnh nhân tại khu vực cách ly của bệnh viện- Ảnh: BVDC 2.3
Ngoài cửa ngõ sàng lọc kể trên, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong quá trình khám, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân của BVDC 2.3 cũng được thực hiện tốt, hạn chế tối đa lây nhiễm từ bệnh nhân sang nhân viên y tế và giữa các bệnh nhân với nhau.
Tuy nhiên do đặc thù riêng, công tác phòng chống dịch của BVDC 2.3 còn không ít khó khăn: Rào cản về ngôn ngữ khi một số nhân viên LHQ như Mông Cổ hoặc dân địa phương giao tiếp Tiếng Anh hạn chế, khó khai thác triệu chứng, dễ bỏ sót yếu tố nghi ngờ.
Mặc dù các nhân viên BVDC đã được tiêm chủng song nguy cơ biến thể mới xuất hiện ngày càng nguy hiểm bởi khả năng lây nhiễm nhanh, gây bệnh nặng gấp nhiều lần và có thể làm giảm hiệu quả của vắc-xin.
Phòng ốc, không gian trong bệnh viện để triển khai đầy đủ hệ thống cho phòng chống dịch còn hạn chế so với quy chuẩn do các phòng đã cố định từ trước nay được chuyển đổi công năng sang điều trị Covid-19.
Hoạt động của bệnh viện trong môi trường đa văn hoá đa quốc gia, có giao lưu với các đơn vị bạn và chính quyền địa phương nên công tác chống dịch càng cần chú ý.
Mặc dù còn rất nhiều khó khăn kể trên song với kinh nghiệm phòng chống dịch tại Việt Nam, sự huấn luyện đầy đủ từ các chuyên gia trong nước, các chương trình đào tạo trực tuyến từ Tổ chức Y tế Thế giới và các quy trình tiêu chuẩn của LHQ, sự chuyển giao quy trình từ BVDC 2.2, sự đoàn kết hiệp đồng và các điều chỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa bàn Nam Sudan, BVDC 2.3 đã và đang có những biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, được cơ quan y tế của LHQ và đơn vị bạn đánh giá cao.
Thời gian tiếp theo, BVDC 2.3 luôn duy trì nghiêm túc những biện pháp đang thực hiện bởi không chỉ sự phức tạp của các biến thể Covid-19 khiến dịch bệnh có thể bùng phát bất kì lúc nào mà ngoài ra còn có các dịch bệnh nguy hiểm khác luôn tiềm ẩn tại khu vực Châu Phi như Ebola, sốt rét, Viêm màng não... Các thành viên BVDC 2.3 tham gia lực lượng "mũ nồi xanh" chung tay phòng chống dịch và mong dịch sớm được kiểm soát tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Hình ảnh do BVDC 2.3 cung cấp:
Việc sàng lọc rất quan trọng trong việc phát hiện các trường hợp nghi ngờ và được BVDC 2.3 thực hiện ngay từ cổng vào
BVDC 2.3 luôn quán triệt thực hiện nghiêm túc chủ trương 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Khai báo y tế, Không tụ tập) của Bộ y tế Việt Nam trong quá trình làm nhiệm vụ tại Phái bộ
Phân loại lối đi sang khu vực cách ly được BVDC 2.3 thực hiện ngay từ cổng vào
Khu vực cách ly luôn có 1 tổ trực Covid gồm 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng, mặc đồ phòng hộ cá nhân (PPE), sẵn sàng tiếp nhận
Bác sĩ Nguyễn Trọng Chiến và điều dưỡng Ngô Hải Linh khẩn trương chuẩn bị đón bệnh nhân ngay khi nhận thông báo
Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong quá trình khám, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân của BVDC 2.3 cũng được thực hiện tốt, hạn chế tối đa lây nhiễm
Đặc biệt, BVDC 2.3 đã được LHQ trang bị máy xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên Covid-19
Phun khử khuẩn thường xuyên môi trường bệnh viện
Trong chiến dịch tiêm chủng của Liên Hiệp Quốc, BVDC 2.3 sẽ phụ trách tiêm chủng cho 500 nhân viên của LHQ
BVDC 2.3 giám sát quy trình và hỗ trợ chuyên môn tất cả các bệnh viện cấp 1 trong Phái bộ trong việc tiêm chủng
Bác sĩ Mai Đình Thanh, Chủ nhiệm khoa Nội.truyền nhiễm BVDC 2.3, và Điều dưỡng trưởng BVDC 2.3 Trần Văn Tuấn hỗ trợ Bệnh viện cấp 1 của Pakistan trong chiến dịch tiêm phòng Covid của LHQ
BVDC 2.3 giám sát quy trình và hỗ trợ chuyên môn tất cả các bệnh viện cấp 1 trong Phái bộ trong việc tiêm chủng cũng như theo dõi các phản ứng và xử lý các biến chứng sau tiêm chủng.
Bình luận (0)