Ngày 19-1, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 do Ban Tổ chức Trung ương (Ban Tổ chức) tổ chức, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã có bài phát biểu cho rằng quy trình phòng chống tham nhũng gồm 8 bước, song ở mỗi bước vẫn còn có bất cập.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Thành Văn
Bí thư Thành ủy dẫn ví dụ quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, đảng viên… giám sát việc xử lý chế tài các kết luận đối với các cá nhân, tập thể, cá nhân sai phạm. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi cơ quan Đảng, Nhà nước có chế tài xử lý thì khâu giám sát các chế tài chưa được thực hiện đầy đủ, hiệu quả chưa cao.
Trong khi đó, nhiều kết luận thanh tra, kiểm toán không được công bố, các tổ chức mặt trận không biết mà giám sát, vì vậy tác dụng răn đe, điều chỉnh hành vi còn hạn chế.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, để khắc phục tình trạng này, cần giám sát việc công bố việc thực thi các chế tài của Đảng, Nhà nước với các tổ chức, cá nhân có sai phạm.
"Hiện chưa có quy định các cơ quan Đảng, Nhà nước, mặt trận phối hợp thực hiện công bố và giám sát thực hiện chế tài"- ông Nguyễn Thiện Nhân góp ý.
Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nhân, về phòng chống suy thoái, tham nhũng, còn hạn chế ở khâu rút kinh nghiệm của Đảng, Nhà nước, hoàn chỉnh, ban hành quy chế quản lý ở nhiều địa phương. Định kỳ hàng năm đánh giá một cách toàn diện chưa được nên sai phạm cũ chưa được khắc phục đã xuất hiện sai phạm, suy thoái, tham nhũng mới.
"Đây là nguyên nhân từ tình trạng ở cấp trên "đốt lửa to", cấp dưới "chậm đốt lửa" hoặc "đốt lửa nhỏ" trong khi suy thoái, tham nhũng hàng ngày, hàng giờ huỷ hoại niềm tin của nhân dân, tài sản của Nhà nước, sức chiến đấu của Đảng và sức mạnh tổng hợp của đất nước"- ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tại hội nghị
Tham gia phát biểu, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải phân tích những vấn đề liên quan đến phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chạy chức chạy quyền cũng đều có nguyên nhân.
Ông Hải cho rằng có lúc chúng ta theo đuổi quan điểm đổi mới nhưng có tư duy đổi mới là phá cách nhiều, cho rằng thế mới là sáng tạo, thế mới là tư duy đột phá dẫn đến nhiều cái vượt ra khỏi khuôn khổ, quy định, vượt ra khỏi cách chúng ta chỉ đạo dẫn đến đi trượt đi một thời gian dài.
"Song thời điểm đó lại xử lý lỏng lẻo, không nghiêm, dung túng, tha thứ nên dẫn đến tật xấu tác động đến cả cán bộ, công chức, thậm chí cả những công chức bên dưới. Thực tế còn để kéo dài nên phải tập trung chấn chỉnh" - ông Hải "mổ xẻ".
Bí thư Bắc Giang kiến nghị cần thực hiện phải mạnh hơn, quyết liệt hơn chế độ kiểm tra, thanh tra, giám sát.
Đồng tình với Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Bắc Giang Bùi Văn Hải nói: "Vừa qua Trung ương làm rất mạnh nhưng mới chỉ dừng lại ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương còn dưới chưa mạnh lắm, các địa phương tới đây phải đẩy mạnh và quyết liệt hơn việc kiểm tra, giám sát, thanh tra".
Ông Bùi Văn Hải cũng cho rằng đang có vấn đề về phân cấp, phân quyền mặc dù đã có quy định và rất nhiều trường hợp biết mà vẫn cố ý làm sai. Tình trạng này giống hình ảnh người tham gia giao thông đều biết đèn đỏ phải dừng lại nhưng có người vẫn cố tình đi.
"Vì vậy phải có biện pháp xử lý thật nghiêm, không nghiêm thì không được. Không thể cứ hô hào suông mà phải gắn kiểm tra phải xử lý nghiêm minh. Còn xử lý qua quýt thì lại "đâu đóng đó", "đóng mác an toàn" cho việc kiểm tra"- ông Hải góp ý.
Cũng theo ông Hải, một biện pháp quan trọng trong phòng, chống tham nhũng là kiểm tra, giám sát, minh bạch tài sản phải được làm kiên quyết và triệt để.
"Phải có chế tài chặt chẽ để người tham nhũng, tham ô cũng không thể dùng được tài sản đó. Phải có quy chế để không thể, không dám và không muốn tham nhũng"- ông Hải hiến kế.
Bình luận (0)