Lãnh đạo huyện Bình Chánh (TP HCM) cho biết ngày 7-7 (nhằm ngày 20-5 âm lịch) sẽ tổ chức lễ giỗ 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc – Mậu Thân 1968 lần thứ 55 (1968-2023).
Đêm 15-6-1968 (nhằm ngày 20-5 âm lịch), đoàn dân công gồm 55 người vượt đồng bưng xuống Đức Hòa, Long An để tải đạn về Sài Gòn. Đến góc bưng của kinh Láng Cát, đoàn bị địch phát hiện, bắn xối xả. Cuộc tấn công ác liệt bằng rốc két khiến 32 dân công hỏa tuyến gồm 25 nữ, 7 nam hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, trong đó có nhiều người chưa lập gia đình.
Năm tháng trôi qua nhưng sự kiện 32 dân công hỏa tuyến mãi là bài học sáng trong trang sử hào hùng đấu tranh cách mạng của các thế hệ cha anh trên mảnh đất Bình Chánh anh hùng.
Lãnh đạo huyện Bình Chánh thăm hỏi các nữ dân công năm xưa nhân dịp lễ giỗ hàng năm
Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống mới đã hồi sinh, càng vinh dự, tự hào về giá trị lịch sử của Khu Di tích lịch sử Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc - Mậu Thân 1968. Khu di tích Dân Công hỏa tuyến Vĩnh Lộc - Mậu Thân 1968 đã được UBND TP HCM xếp hạng di tích lịch sử. Năm 2010, Khu Di tích được xây dựng để tri ân, tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã hi sinh.
Từ khi xây dựng đến nay, qua nhiều lần được sửa chữa, trùng tu, khu di tích càng khang trang, đã trở thành địa chỉ đỏ thiêng liêng, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Hàng năm, cứ đến ngày 20-5 âm lịch, lãnh đạo các cấp đều tổ chức ngày lễ giỗ tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh cao cả của 32 người con đất Vĩnh Lộc anh hùng; những dân công còn sống, các cô, chú đều trở về cách đồng bưng năm xưa, thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội, cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm của một thời kháng chiến hào hùng.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bình Chánh tin tưởng với truyền thống cách mạng vẻ vang, với niềm tự hào về "sự kiện lịch sử hy sinh của 32 dân công hỏa tuyến" sẽ tiếp tục vững bước đi lên với niềm tin, quyết tâm và giành nhiều thắng lợi mới; xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh.
Bình luận (0)