Đây là hoạt động văn hóa thường niên nhằm gìn giữ và phát huy truyền thống "ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc; tri ân công đức các vị tiền nhân đã có công mở mang bờ cõi, xây dựng và bảo vệ đất nước. Qua đó, giáo dục cho các thế hệ sau lối sống hiếu nghĩa, nhớ về cội nguồn, lan tỏa lòng yêu nước thương nòi...
Ý nghĩa của lễ giỗ Đức Tả quân, cùng với lễ đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đối với Lễ Cầu an - Khai hạ (cũng tại Lăng Ông), tổ chức trước đó một ngày, là rất rõ ràng, nhân văn và sâu sắc. Thế nhưng, vừa qua, đây đó trên mạng xã hội đã có một số ý kiến bày tỏ thái độ chưa đồng tình với những sự kiện văn hóa này.
Công trạng của các bậc tiền hiền, công thần - trong đó có Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt - đối với Sài Gòn - Gia Định, TP HCM, với Nam Kỳ lục tỉnh và cả nước đã được chính sử ghi chép công bằng; được nhân dân bao đời ghi nhận, kính ngưỡng. Thờ phụng và tổ chức lễ giỗ trang trọng chính là để tỏ lòng biết ơn, là biểu hiện văn hóa "uống nước nhớ nguồn".
Sự thật lịch sử công minh, khách quan và không thể chối cãi như vậy, song vẫn tồn tại cách nghĩ, cách hiểu khác, đi ngược các giá trị cốt lõi và lợi ích toàn cục của đất nước, của nhân dân. Vì sao như vậy? Chúng tôi nghĩ có phần không nhỏ là do cách dạy và học lịch sử trong nhiều năm qua.
Còn nhớ, khoảng năm 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 6 môn thi tốt nghiệp gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ, địa lý, sinh học, hóa học, không có môn lịch sử. Hay tin này, rất nhiều học sinh reo hò, đồng loạt xé tài liệu ôn thi môn sử tung lên trời, rác giấy phủ trắng sân trường. Một hiện tượng kỳ cục, một nỗi buồn lớn của giáo dục! Giai đoạn đó, tại một vài kỳ thi tốt nghiệp, có nhiều "trận mưa điểm 0" môn sử. Học sinh chán sử, sợ sử.
Cách nay hơn 4 tháng, dư luận lại xôn xao khi trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018, bậc THPT (triển khai từ năm học 2022-2023 này), lịch sử chỉ là môn học tự chọn. Sau rất nhiều ý kiến, phản biện của công dân, nhà giáo, trí thức, cơ quan, tổ chức…, đầu tháng 8-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điều chỉnh, theo đó: Chương trình môn lịch sử bậc THPT bắt buộc đối với tất cả học sinh.
Người yêu sử thở phào! Điều gì sẽ xảy ra nếu học sinh THPT chỉ biết sử lớt phớt, hoặc trắng kiến thức về môn này? Hỏi mà không dám nghĩ tới câu trả lời, bởi hậu quả của nó rất hệ trọng đối với sự an nguy của nước nhà.
Trong diễn ca "Lịch sử nước ta", Bác Hồ đã viết: "Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam…". Tình yêu sử Việt của người Việt không bao giờ cạn, vấn đề là phải làm sao để khơi dậy, thắp lên và giữ cho ngọn lửa tình yêu ấy cháy mãi. Trước hết phải bắt đầu bằng sự nhận thức (dù cũ luôn nhưng mới), là tôn trọng lịch sử; và tiếp đến cần thay đổi cơ bản phương pháp dạy học. Những nhà sư phạm thừa sức làm được việc này…
Bình luận (0)