Phiên họp được kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2023 - Ảnh: VGP
Cùng dự phiên họp có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; ông Đinh Văn Ân, Trợ lý Tổng Bí thư; lãnh đạo các Ban Đảng, cơ quan của Quốc hội. Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố tham dự phiên họp theo hình thức trực tuyến tại các điểm cầu địa phương.
Theo chương trình phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về 6 nội dung chính: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; kết quả triển khai công tác lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch; báo cáo tổng hợp kết quả làm việc của các thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc, làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu và kiến nghị, đề xuất theo Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chào mừng tân Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh lần đầu tiên tham dự phiên họp Chính phủ.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 được tổ chức trong thời điểm sau thành công của Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV đang diễn ra với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung thảo luận, đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội.
Vừa qua, 25 đoàn công tác của các thành viên Chính phủ đã làm việc với các địa phương, nên Chính phủ mời lãnh đạo các địa phương tham dự phiên họp để có thêm thông tin, đánh giá về tình hình trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khó khăn, thách thức với cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu từ thực tiễn chỉ đạo, điều hành, phân tích kỹ những mặt đã làm được, những mặt còn hạn chế, khó khăn, thách thức, nhất là trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sản xuất công nghiệp, phân tích, chỉ ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân khách quan, đề ra giải pháp xử lý, tháo gỡ.
Bình luận (0)