Dù nền kinh tế vẫn đối mặt nhiều khó khăn song trong tháng 5-2023, hàng loạt chỉ số như sản xuất toàn ngành công nghiệp, đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa, xuất nhập khẩu... đã có nhiều cải thiện so với các tháng trước và cùng kỳ năm ngoái.
Xuất hiện nhiều điểm sáng
Tổng kết tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê chỉ ra một số điểm sáng kinh tế trong nước.
Cụ thể, trong bối cảnh kinh tế - xã hội thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Chính phủ đã chủ động, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN)…
Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng hoặc đơn hàng tăng trở lại sau những tháng đầu năm gặp vô vàn khó khăn .Ảnh: THANH NHÂN
Nhờ đó, tình hình thu hút đầu tư 5 tháng đầu năm 2023 rất khởi sắc, với tỉ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 25,5% kế hoạch, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2023. Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5-2023 tăng 0,01% so với tháng trước, tăng 2,43% so với cùng kỳ năm ngoái; bình quân 5 tháng đầu năm 2023 tăng 3,55%.
Chuyển biến tích cực còn thể hiện qua chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 đã tăng trở lại, với mức tăng 2,2% so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tăng 11,5%; vận chuyển hành khách tăng 13,6%; vận chuyển hàng hóa tăng 20,7%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách tăng 21,2%; vận chuyển hàng hóa tăng 18%.
Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 9,8 tỉ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 0,24 tỉ USD). Trong lĩnh vực du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5 ước đạt 916.300 lượt, gấp 5,3 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, ước đạt gần 4,6 triệu lượt khách, gấp 12,6 lần cùng kỳ năm trước.
Bức tranh phục hồi kinh tế cũng được phản ánh qua sức bật của TP HCM trong quý II/2023, với dự báo GDP sẽ tăng 5,87% - vượt xa so với quý I (tăng trưởng chỉ 0,7%). Như vậy, cộng cả 2 quý, kinh tế TP HCM tăng trưởng khoảng 3,55%. Tương tự diễn biến chung của cả nước, kinh tế TP HCM tăng trưởng mạnh dựa trên những yếu tố tích cực như: giải ngân vốn đầu tư công khởi sắc, công nghiệp tăng trưởng khá, sức mua của thị trường được duy trì...
Ông Trần Phước Tường, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP HCM, cho biết sản xuất công nghiệp của thành phố đã bật tăng trở lại, từ con số âm trong tháng 3 đã tăng lên 5,45% trong tháng 5. Trong khi hoạt động xuất khẩu suy giảm, sức mua thị trường nội địa vẫn duy trì tăng trưởng 9,5%. Dự án FDI đăng ký mới tăng đáng kể, 5 tháng đầu năm có 374 dự án - tăng 60,5% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, ước giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2023 đạt 12,9% theo kế hoạch vốn của Thủ tướng, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (năm 2022 đạt 9,4%) là động lực lớn cho nền kinh tế.
Đơn hàng đã trở lại
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Agrex Saigon, cho biết nếu quý I đơn hàng của công ty bị thiếu 30%-50% thì hiện tại, bức tranh đã sáng hơn nhiều. Công ty đã có đơn hàng trở lại từ tháng 6 đến tháng 8, thậm chí công nhân phải đi làm tăng ca cả chủ nhật. Với tình hình này, khả năng đơn hàng còn khả quan đến cuối năm.
"Bối cảnh khó khăn nhất của chúng tôi đã qua. Yếu tố tích cực là hàng tồn kho của một số hệ thống bán hàng lớn ở Mỹ đã giảm nhiều so với những tháng đầu năm nên họ đặt lại đơn hàng từ nhà xuất khẩu. Nhu cầu tiêu dùng ở châu Âu và Mỹ đang hồi phục nên triển vọng của ngành thực phẩm chế biến đang rất tốt. Về chính sách hỗ trợ, việc mặt bằng lãi suất giảm cũng hỗ trợ rất lớn cho các DN trong giai đoạn khó khăn. Tỉ giá ổn định suốt thời gian qua, bất chấp cả việc đồng USD tăng giá mạnh ở thị trường quốc tế đã góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh của chúng tôi không bị xáo trộn" - ông Phạm Hải Long phân tích.
Nhiều DN ngành lương thực - thực phẩm cũng đang "lội ngược dòng", tăng trưởng doanh thu ấn tượng nhờ linh hoạt xoay xở, tận dụng được những lợi thế sẵn có. Đơn cử, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) ghi nhận tăng trưởng 20% trong 4 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022 nhờ kịp thời đẩy mạnh phát triển các sản phẩm bổ dưỡng và sản phẩm thiên nhiên, xanh hóa... ở thị trường trong nước lẫn quốc tế.
Công ty CP Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket đã tăng cường xuất khẩu mặt hàng chủ lực là mì tôm cùng các sản phẩm dòng gạo sang châu Âu và những thị trường trọng điểm khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Kết quả, 5 tháng đầu năm, doanh thu xuất khẩu của công ty tăng trưởng khoảng 30% - mức tăng đáng mơ ước của nhiều DN trong bối cảnh hiện tại.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, nhận định sức mua khả năng sẽ tăng nhẹ trong 2 quý cuối năm 2023 và bật tăng mạnh từ đầu năm 2024. "Những năm trước, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 12%-15% nhưng năm nay chấp nhận mức tăng trên dưới 10%. Khi thị trường nội địa chưa khả quan, công ty đang tập trung vào thị trường Đông Nam Á. Mật ong Xuân Nguyên tìm thị trường ở những quốc gia lân cận ở Đông Nam Á để bù đắp doanh thu" - ông Vũ dẫn chứng.
Với nhiều ngành hàng xuất khẩu khác như dệt may, da giày, đồ gỗ..., dù vẫn còn khó khăn nhưng triển vọng trong trung - dài hạn là tích cực. Báo cáo nghiên cứu "Future of Trade: New opportunities in high-growth corridors" (tạm dịch: Tương lai của thương mại: Những cơ hội mới cho các hành lang tăng trưởng cao) của Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố cho thấy Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu. Tăng trưởng xuất khẩu hằng năm của Việt Nam ước đạt 7%, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 5%.
Ngân hàng HSBC Việt Nam trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 5-2023 nhận định doanh số bán lẻ tháng 5 tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước là tín hiệu cho thấy tiêu dùng trong nước vẫn duy trì mạnh mẽ. Doanh số những mảng liên quan đến du lịch tiếp tục hỗ trợ cho tiêu dùng nội địa, với nhóm dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng trưởng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Du khách quốc tế đạt 916.000 lượt trong tháng 5, đưa tổng lượng khách du lịch từ đầu năm 2023 tới nay lên 4,6 triệu lượt. Đáng chú ý, du khách đến từ Trung Quốc đại lục tiếp tục tăng, đạt gần 147.000 lượt trong tháng 5.
Cần thêm chính sách hỗ trợ
Để thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2023, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần sử dụng linh hoạt 2 công cụ tài khóa và tiền tệ nhằm đối phó tình hình khó khăn hiện nay. Cùng với đó, tập trung vào 3 động lực là xuất khẩu, đầu tư công và đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm thêm đầu ra cho sản phẩm cũng là những giải pháp cấp bách mà các chuyên gia kiến nghị.
Với TP HCM, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, đề xuất thành phố cần đẩy nhanh các hoạt động xúc tiến thương mại và các chương trình hỗ trợ thực chất, quyết liệt nhằm giúp DN tìm thị trường, kết nối cung - cầu. Theo ông An, đây là giải pháp căn cơ để phục hồi sản xuất - kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố.
TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng cần giải pháp kích thích mạnh mẽ hơn nữa nhu cầu đầu tư và tiêu dùng. TP HCM bằng mọi giá phải đẩy mạnh đầu tư công để lan tỏa ra các lĩnh vực khác. Với nhu cầu tiêu dùng, mức thuế GTGT giảm xuống 8% có thể chưa đủ mạnh mà cần nghiên cứu giảm hơn nữa.
"Khi thuế GTGT giảm sâu, giá cả hàng hóa tương đối rẻ sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng, đầu tư từ nền kinh tế. Lãi suất giảm như vừa qua là điều kiện cần, điều kiện đủ là sức cầu của thị trường phải tăng lên để DN mạnh dạn vay vốn tín dụng đầu tư, sản xuất - kinh doanh... Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng trên thị trường quốc tế chưa hồi phục nhanh khiến các ngành xuất khẩu dệt may, da giày, đồ gỗ bị ảnh hưởng nặng nề, giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa là rất cần thiết" - TS Nguyễn Hữu Huân nhìn nhận.
Với Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA, phản ánh dù đã xuất hiện những điểm sáng nhưng nhìn chung, DN vẫn đối mặt nhiều khó khăn về vốn, thị trường... rất cần được hỗ trợ tháo gỡ. Một trong những điểm nghẽn lớn trong xuất khẩu là tình trạng tồn kho hàng hóa ở nước ngoài, đòi hỏi các DN phải tiếp tục tìm giải pháp, tiếp cận và khai thác những thị trường mới.
Bên cạnh đó, cộng đồng DN rất kỳ vọng những điểm mới của Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 khi được thông qua và áp dụng sẽ góp phần tạo đột phá cho TP HCM trong tương lai gần.
Bình luận (0)