Sáng 31-8, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì buổi tiếp dân giải quyết khiếu nại, phản ánh, kiến nghị của ông Nguyễn Xuân Lê và một số hộ dân ở nông trường Tam Tân (cũ) thuộc Khu Đô thị Tây Bắc, huyện Củ Chi, TP HCM.
Mở đầu buổi tiếp, người đứng đầu chính quyền TP chia sẻ: "Lúc trước chú Lê có gọi điện, nói muốn gặp tôi. Tôi nói đường xa lắm, dù đi xe buýt chú cũng tốn tiền, thôi để tôi xuống Củ chi gặp chú. Tôi xuống rồi mà vẫn chưa giải quyết rốt ráo được. Hôm nay TP tiếp tục mời chú Lê và các cơ quan liên quan để lắng nghe, giải quyết".
Được lời như cởi tấm lòng, ông Lê trình bày cụ thể sự việc với Chủ tịch Nguyễn Thành Phong. Ông Lê cho biết ông cùng bà con ở nhiều nơi về nhận đất của nông trường Tam Tân cũ để cải tạo.
Đất lúc mới mua chỉ có cây năn, cây lác, lại nhiễm phèn nặng nên người dân phải bỏ rất nhiều công sức, tiền bạc để cải tạo. "Bây giờ đất rất màu mỡ, trồng được nhiều cây không thua gì các loại đất bình thường. Thế nhưng về sau TP có chủ trương thu hồi. Gần đây Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND TP có ra một số văn bản bất lợi cho bà con" – ông Lê nói.
Ông Nguyễn Xuân Lê trình bày sự việc với Chủ tịch UBND TP
Ông Lê khẳng định khi giao đất cho Nhà nước thì người dân sẵn sàng vui vẻ ra đi. Người dân không trách Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa, không trách Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng vì họ mới nhận nhiệm vụ có thể chưa nắm hết nguồn gốc sự việc. Người dân chỉ cần giải quyết đúng luật, có tình, có lý.
Được biết từ năm 1993, Nông trường Tam Tân có ký hợp đồng khoán và cho thuê đất thời hạn từ 3 đến 30 năm với các hộ dân.
Đến năm 2004 do yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, TP đã quyết định thu hồi đất tại nông trường để quy hoạch triển khai các dự án.
Tại buổi tiếp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Văn Hồng ghi nhận công sức của bà con đã nhận khoán của nông trường vì trước đây nơi đây là vùng sình lầy nhiễm phèn. Ông Hồng tán thành quan điểm cần xem xét giải quyết theo hướng có lợi cho người dân nhất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi thì nhận định người dân đã thuê sản xuất từ 15-20 năm. Vùng này trước là vùng bưng biền, rất khó khăn trong cải tạo đất. Ngày hôm nay ở đó là vườn cây ăn trái, hoa màu, ao cá thì công sức của người dân vô cùng lớn.
"Nếu tiếp tục để cho cô bác đầu tư phải có lộ trình thời gian. Nguyện vọng của cô bác cũng hợp lý. Các cơ quan nhà nước nên ngồi lại tính toán để có hướng giải quyết thỏa đáng" – ông Dũng nêu.
Sau khi lắng nghe các bên, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói rất ghi nhận công sức của các hộ dân trong cải tạo đất hoang hóa, cải tạo chăm sóc để biến vùng đất hoang hóa thành màu mỡ, đóng góp vào sự phát triển của TP.
"Gắn bó hàng chục năm với mảnh đất, giờ phải rời xa. Điều này dứt khoát có gây ảnh hưởng đến việc sản xuất ổn định của người dân. Tôi đề nghị các ngành khảo sát kiểm tra thực tế, từ đó đề xuất hướng giải quyết theo các yêu cầu nguyện vọng của người dân" - ông Phong chỉ đạo.
Ông Phong cho biết đích thân ông sẽ nghe lại hướng đề xuất giải quyết của các cơ quan chức năng.
"Thời gian giao cho các đồng chí xem xét, tham mưu hướng giải quyết là 30 ngày kể từ ngày hôm nay" - ông Phong nhấn mạnh và lưu ý bà con là nông dân tay lấm chân bùn, không hiểu nhiều về pháp luật. Do vậy, trong quá trình làm phải chia sẻ, vận dụng các quy định pháp luật để giải quyết cho người dân theo hướng có lợi nhất.
Nghe Chủ tịch TP nói, ông Lê cảm động nói: "Được gặp Chủ tịch TP, được lãnh đạo các sở, ban, ngành lắng nghe nguyện vọng và mong muốn giải quyết sự việc ổn thỏa, tôi tin là UBND TP sẽ không bỏ người dân".
Bình luận (0)