Tiếp tục các hoạt động tại New York, Mỹ, ngày 23-9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có rất nhiều cuộc gặp, tiếp xúc với nguyên thủ, lãnh đạo các nước, gặp trực tuyến Chủ tịch thường trực Thượng viện Mỹ và đến thăm công ty Pfizer.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại phiên họp - Ảnh: TTXVN
Theo đó, trong sáng 23-9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc trao đổi với đại diện của các nước là Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Trao đổi với đại diện của đoàn Trung Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng ổn định, lành mạnh, là nhân tố quan trọng đối với sự phát triển của mỗi nước, cũng như đóng góp vào hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Là hai quốc gia láng giềng, Việt Nam và Trung Quốc cần hợp tác chặt chẽ để bảo đảm an ninh nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển xanh.
Trao đổi với đại diện của đoàn Liên bang Nga, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Nga là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Điều này đã được Chủ tịch nước khẳng định tại cuộc điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin vào tuần trước. Và tới đây, lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ sớm có các cuộc hội kiến trực tiếp để tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Còn trong cuộc trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Mỹ đang là một trong những nước tài trợ vắc-xin ngừa Covid-19 lớn nhất cho các nước qua Cơ chế COVAX. Qua cơ chế này, Việt Nam đã nhận được 5 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19.
Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken nhắc lại cam kết mới về đóng góp nửa tỉ liều vắc-xin của Tổng thống Joe Biden tại Hội nghị thượng đỉnh về Covid-19, mà Chủ tịch nước đã tham dự ngày 22-9, nên chắc chắn tới đây Việt Nam và các nước sẽ tiếp tục nhận được thêm vắc-xin qua cơ chế Covax.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, trong đó trụ cột chính của mối quan hệ là kinh tế, thương mại và đầu tư. Trên tinh thần đó, hai nước cần tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các tập đoàn lớn của Mỹ, nhất là tập đoàn công nghệ cao, hiện diện nhiều hơn nữa tại Việt Nam, cũng như bảo đảm quan hệ thương mại phát triển ổn định, hướng tới cân bằng cán cân thương mại song phương.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc trao đổi trực tuyến với Thượng nghị sĩ Patrick Leahy (đảng Dân chủ, bang Vermont), Chủ tịch Thường trực Thượng viện Mỹ, một người bạn của nhân dân Việt Nam.
Tại cuộc trao đổi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điểm lại những bước tiến trong quan hệ Việt Nam - Mỹ và những đóng góp của quan hệ hai nước đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực kể từ chuyến thăm Việt Nam năm 2019 của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ với Mỹ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò lãnh đạo của cá nhân Thượng Nghị sĩ và Quốc hội Mỹ trong việc vận động Chính quyền Mỹ hỗ trợ vắc-xin và trang thiết bị y tế cho Việt Nam; đề nghị Thượng nghị sĩ thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực này.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Thượng nghị sĩ Patrick Leahy về những nỗ lực bền bỉ, những đóng góp tích cực của Thượng nghị sĩ Leahy đối với công tác khắc phục hậu quả chiến tranh giữa hai nước, trong đó nổi bật là thành công của Dự án tẩy độc sân bay Đà Nẵng cũng như thành công của Giai đoạn 1 dự án tẩy độc sân bay Biên Hoà. Chủ tịch nước mời Thượng nghị sĩ Patrick Leahy và đoàn Quốc hội Mỹ thăm Việt Nam khi điều kiện phù hợp.
Thượng nghị sĩ Patrick Leahy bày tỏ vui mừng khi được gặp lại Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và sự yêu mến đối với đất nước và con người Việt Nam. Thượng nghị sĩ mong trở lại Việt Nam khi điều kiện cho phép và sẽ mời các nghị sĩ Mỹ khác đi cùng để cũng có cái nhìn về Việt Nam như Thượng nghị sĩ. Thượng nghị sĩ khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, trong đó có hỗ trợ những nạn nhân chiến tranh, nạn nhân chất độc da cam.
Thượng nghị sĩ Patrick Leahy nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với các vấn đề khu vực và toàn cầu như biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 và vấn đề an ninh hàng hải; khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ các nước, trong đó có Việt Nam, để cùng ứng phó với các thách thức này.
Trước đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp với Hoàng hậu Hà Lan Maxima, đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về tài chính và phát triển bao trùm. Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng được gặp lại Hoàng hậu và cảm ơn Bà đã luôn quan tâm, ủng hộ Việt Nam, trong đó có việc thúc đẩy tài chính toàn diện.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Hoàng hậu Maxima bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam - Hà Lan trong thời gian qua. Hà Lan hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại EU và là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam. Chủ tịch nước và Hoàng hậu Maxima nhất trí cho rằng, trong thời gian tới, hai bên cần tiếp tục duy trì các tiếp xúc cấp cao, trao đổi giữa các bộ, ngành, địa phương để tiếp tục phát huy thế mạnh của hai nước, tiếp tục là những đối tác hàng đầu của nhau tại ASEAN và EU.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự đóng góp tích cực của Hà Lan đối với chương trình COVAX và số lượng lớn vật tư y tế mà Hà Lan đã viện trợ cho Việt Nam thời gian qua. Chủ tịch nước mong muốn Hà Lan tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về vắc-xin và thiết bị y tế để Việt Nam nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi kinh tế.
Tại cuộc gặp với Tổng thống Sierra Leone - ngài Julius Maada Bio, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hai nước cần thúc đẩy các hoạt động trao đổi, tiếp xúc giữa lãnh đạo các cấp, kể cả trực tiếp và trực tuyến. Hai bên cần sớm xúc tiến cử Lãnh sự danh dự tại mỗi nước nhằm tạo cầu nối thúc đẩy quan hệ nhiều mặt trong khi chưa có điều kiện mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau, đồng thời phối hợp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác song phương thông qua hoàn tất đàm phán, tiến tới ký kết một số Hiệp định quan trọng như khuyến khích - bảo hộ đầu tư và tránh đánh thuế hai lần.
Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác nông nghiệp với Sierra Leone trong khuôn khổ song phương hoặc ba, bốn bên.
Tổng thống Julius Maada Bio bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với lịch sử và những thành công của Việt Nam trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội ngày nay. Tổng thống mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp, đầu tư vào sản xuất và thúc đẩy các hiệp đinh tự do thương mại.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Bangladesh Sheik Hasina, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự phát triển của mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong thời gian qua. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn trân trọng những tình cảm tốt đẹp và sự ủng hộ quý báu của nhân dân Bangladesh đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây của Việt Nam và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Bangladesh trong thời gian tới.
Hai nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực, trao đổi thương mại giữa hai nước tiếp tục tăng ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. và nhất trí hai bên tiếp tục duy trì các cơ chế hợp tác sẵn có như Ủy ban hỗn hợp, Tiểu ban Thương mại hỗn hợp nhằm phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng hơn nữa, hướng tới mục tiêu 2 tỉ USD trong thời gian tới.
Chủ tịch nước cho biết Việt Nam mong muốn đầu tư vào Bangladesh trong các lĩnh vực nông - ngư nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, văn hoá, giáo dục - đào tạo, du lịch, dệt may và đề nghị Bangladesh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam tiếp cận hơn nữa đối với thị trường Bangladesh trong các lĩnh vực nêu trên.
Tại cuộc tiếp Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự hợp tác của IMF với Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế đồng thời cảm ơn IMF đã chung tay với Việt Nam trong quá trình ứng phó với đại dịch Covid-19.
Chủ tịch nước cũng hoan nghênh IMF đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới thiết lập cơ chế Nhóm Đặc trách về vắc-xin Covid-19 nhằm thúc đẩy cung ứng vắc-xin và các dụng cụ, thiết bị y tế cho các nước đang phát triển.
Qua đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong IMF hỗ trợ Việt Nam trong quá trình tiếp cận với nguồn vắc-xin và tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.
Tổng Giám đốc IMF bày tỏ vui mừng được gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cảm ơn Chủ tịch nước đã dành thời gian tiếp. Tổng Giám đốc IMF chúc mừng những thành quả kinh tế của Việt Nam đạt được trong thời gian qua, đánh giá cao chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam trong ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, đồng thời khẳng định IMF sẽ hỗ trợ Việt Nam vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19 cũng như đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước.
Tổng Giám đốc IMF bày tỏ vui mừng được gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cảm ơn Chủ tịch nước đã dành thời gian tiếp. Tổng Giám đốc IMF chúc mừng những thành quả kinh tế Việt Nam đạt được trong thời gian qua, đánh giá cao chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam trong ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, đồng thời khẳng định IMF sẽ hỗ trợ Việt Nam vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19 cũng như đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước.
Bình luận (0)