Ngày 19-12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về Đề án Xây dựng dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP HCM.
Dự buổi làm việc có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM, nhấn mạnh việc cần thiết phải có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, tạo điều kiện cho thành phố khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển trở lại.
Chủ tịch Quốc hội chủ trì buổi làm việc
Đồng thời, kế thừa và tích hợp tất cả các cơ chế chính sách mà TP cần Trung ương quan tâm hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của cả nước. Theo ông Phan Văn Mãi, việc ban hành cơ chế đặc thù cho TP HCM phát huy vai trò, tiềm năng và gắn trách nhiệm của TP HCM đối với cả nước.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết việc xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54 là tập trung giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, tăng cường phân cấp, phân quyền cho thành phố, xây dựng các cơ chế nhằm giải phóng các nguồn lực đầu tư.
TP HCM đề xuất các cơ chế liên quan lĩnh vực và nội dung về quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; quản lý văn hóa xã hội và trật tự xã hội; các chính sách ưu đãi khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển bền vững; về tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, ủy quyền và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
TP HCM cũng đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan đến xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP; cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền và tổ chức bộ máy hành chính TP Thủ Đức.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, việc đề xuất các cơ chế, chính sách mới chp TP với tinh thần "dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, vì sự phát triển chung". TP HCM mong muốn trong quá trình xây dựng, các cơ quan hữu quan cùng tham gia góp ý để có đề xuất các chính sách nhằm đáp ứng mục tiêu đề ra.
Ông Phan Văn Mãi khẳng định TP HCM sẽ nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến tại buổi làm việc để sớm hoàn chỉnh hồ sơ, dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc xây dựng dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách nhằm kịp thời thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng đối với TP HCM.
Qua đó, tạo điều kiện để thành phố củng cố, tăng cường các trụ cột, các động lực tăng trưởng để phát triển nhanh và bền vững hơn nữa theo tinh thần "TP HCM vì cả nước, cả nước vì TP HCM".
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi báo cáo tại buổi làm việc
Theo Chủ tịch Quốc hội, TP HCM cần tập trung vào 4 nhóm chính sách lớn khi xây dựng dự thảo Nghị quyết, gồm: Chính sách tại Nghị quyết số 54 hiện vẫn còn cần thiết, có thể điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp với giai đoạn mới; nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định cho một số tỉnh, TP khác cũng được áp dụng với TP HCM; nhóm chính sách hiện đã được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong một số dự án luật thì có thể cho phép TP HCM thực hiện sớm hơn và nhóm chính sách mới, riêng biệt cho TP HCM.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tinh thần chung là ủng hộ tối đa để TP HCM phát triển, có các gói chính sách trọng tâm, trọng điểm, giải quyết các vấn đề lớn, tháo gỡ được những điểm nghẽn hiện nay.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM xây dựng cơ chế, chính sách phải bao gồm các vấn đề lớn, đem lại lợi ích trước mắt và lâu dài để tạo đột phá, kiến tạo sự phát triển mạnh mẽ cho TP.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu tại cuộc làm việc, hệ thống hoá lại các quan điểm lớn của Đảng đối với TP để tiếp tục cụ thể hoá và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Với sự chuẩn bị chu đáo, công phu của TP HCM, Chủ tịch Quốc hội cho rằng dự thảo Nghị quyết này có thể xem xét, thông qua theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp của Quốc hội, dự kiến kỳ họp tháng 5-2023.
Bình luận (0)