Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ngay sau khi Quốc hội quyết nghị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, thay vì hết năm 2022.
Phóng viên: Nhìn lại chặng đường 5 năm, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của Nghị quyết 54 đối với sự phát triển TP HCM?
- Chủ tịch UBND TP HCM PHAN VĂN MÃI: Nghị quyết 54/2017 được Quốc hội ban hành dựa trên đề xuất của TP HCM, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-1-2018 và thực hiện đến hết năm 2022. Đây là sự thể chế hóa nhanh nhất ở cấp cao nhất một chỉ đạo của Đảng tại Kết luận 21/2017 của Bộ Chính trị; đồng thời là sự tin cậy của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố với mong muốn thành phố phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn vì cả nước.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi. Ảnh PHAN ANH
Ngày 24-11-2017, Quốc hội thông qua Nghị quyết 54. Ngay sau đó, ngày 6-12-2017, Thành ủy TP HCM đã có Nghị quyết 08 về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Nghị quyết 54. Chính quyền, HĐND và các tổ chức chính trị - đoàn thể "bắt tay" triển khai ngay các nội dung Nghị quyết 54. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Những điều đó cho thấy quyết tâm triển khai Nghị quyết 54 đạt hiệu quả tốt nhất của TP HCM.
Những năm qua, kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng, ngoại trừ 2 năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2019 đạt 7,72%, cao hơn so với 7,22% giai đoạn 2011-2015. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, GRDP tăng trưởng 9,71% so với cùng kỳ.
Đặc biệt là việc triển khai các nội dung, đề án theo Nghị quyết 54 đạt một số kết quả tích cực, tạo thế chủ động nhiều hơn cho thành phố so với thời gian trước. Tiến độ các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn so với việc trình các cơ quan trung ương thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư như trước đây, tạo điều kiện đẩy nhanh các dự án trọng điểm. Việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài về cho thành phố vay lại, trong đó số vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài là gần 11.400 tỉ đồng, giúp thành phố có thêm nguồn lực quan trọng để đầu tư phát triển. Việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng đất trồng lúa đã giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ các dự án. Năm năm qua, HĐND thành phố đã quyết nghị thông qua 32 dự án chuyển mục đích sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa với tổng diện tích trên 1.800 ha.
Chính sách thu nhập tăng thêm đã góp phần cải thiện đời sống và khơi dậy tinh thần lao động, sáng tạo, nâng cao năng suất của cán bộ, công chức, viên chức. Việc tiếp tục đẩy mạnh ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã phát huy được vai trò của người đứng đầu; tạo sự chủ động cho các cơ quan, đơn vị, nhất là kịp thời giải quyết thủ tục, hồ sơ hành chính, góp phần phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
TP HCM cần nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 để phát huy hết nội lực của một siêu đô thị. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Bên cạnh đó, một số nội dung thực hiện có hiệu quả đã được thể chế hóa tại các luật có liên quan và áp dụng cho cả nước. Kết quả tích cực của việc thực hiện Nghị quyết 54 đã lan tỏa và là tiền đề cho các địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng... kiến nghị trung ương cơ chế, chính sách đặc thù. Quá trình thực hiện đã chứng minh tính đúng đắn của nghị quyết, giúp thành phố chủ động vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.
Mặc dù đạt được một số thành quả nhất định nhưng thực tế việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 chưa như kỳ vọng của lãnh đạo thành phố; chưa tạo được sức mạnh đột phá tăng trưởng cũng như lan tỏa rộng khắp ra khu vực, vùng, miền.
Phải chăng nguyên nhân Nghị quyết 54 chưa đem lại kết quả như kỳ vọng là do các cơ chế đặc thù chỉ tập trung vào các quy định dưới luật? Nói như nhiều chuyên gia là nghị quyết này chưa phân cấp triệt để cho thành phố?
- Thực tế triển khai Nghị quyết 54 cho thấy nhiều chính sách chưa được cụ thể hóa. Mối quan hệ giữa Nghị quyết 54 với các luật chuyên ngành chưa tạo thành một "nguyên tắc tuân thủ" thống nhất, khi có sự khác nhau giữa nghị quyết và luật, có trường hợp nghị quyết không được ưu tiên áp dụng. Các nội dung liên quan đến luật, thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương thì TP HCM vẫn phải xin ý kiến và chờ trả lời của các bộ, ngành rồi trình lên Chính phủ xem xét, quyết định.
Về khách quan, thành phố mất gần 2 năm để chống chọi với đại dịch COVID-19 nên thực tế không có nhiều thời gian để đầu tư, phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của nghị quyết.
Cơ chế tài chính chưa được phát huy như mong đợi khi có những việc Nghị quyết 54 đã cho nhưng "thực hiện không phải đơn giản". Đơn cử như việc cho phép thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn thành phố. Nhưng thực tế TP HCM không dễ dàng chủ động việc này vì thẩm quyền sắp xếp hay bán tài sản là do cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng nhà, đất tổ chức triển khai. Do đó, 5 năm qua, không phát sinh khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công của các đơn vị trung ương trên địa bàn thành phố. Trong khi đó, một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài như thuế suất, phí, lệ phí, các nguồn thu mà thành phố được chủ động thực hiện... cần thời gian nghiên cứu, đánh giá tác động nên không thể phát huy. Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc mà chủ yếu là liên quan đến trình tự, thủ tục lập và phê duyệt phương án sử dụng đất.
Tuy nhiên, mấu chốt ở đây vẫn là sự chủ động, quyết liệt đeo bám của TP HCM trong triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù này là chưa đủ. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của các bộ, ngành cũng chưa mạnh. Những điểm này đã được Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phân tích, đánh giá và thẳng thắn chỉ ra rất rõ trong báo cáo thẩm tra trước Quốc hội. Do đó, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận để qua đó TP HCM nỗ lực nhiều hơn và để các bộ, ngành ủng hộ thành phố nhiều hơn, cùng tháo gỡ các vướng mắc, giúp thành phố có điều kiện bứt tốc mạnh mẽ, đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước.
Nội dung nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 sẽ được xây dựng theo hướng mạnh dạn đề xuất trung ương chọn thành phố làm nơi "đăng cai" thí điểm những vấn đề mới; cơ chế, chính sách mới để rút kinh nghiệm, thực hiện chung cho cả nước?
- Tinh thần của dự thảo nghị quyết mới là thí điểm hoặc nhận thí điểm những vấn đề thực tiễn đang đặt ra với TP HCM mà luật chưa có quy định; hoặc có quy định nhưng chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, còn chồng chéo, không còn phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, việc gì phân cấp cho thành phố thì phải giao điều kiện để thực hiện. Đây cũng là vấn đề cốt lõi mà thành phố sẽ đưa vào nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Nghị quyết mới sẽ đồng bộ hơn, mạnh mẽ hơn, phân cấp, phân quyền cho TP HCM rõ nét hơn.
Dự kiến nghị quyết mới sẽ tập trung vào 7 nhóm nội dung. Cụ thể là quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; quản lý văn hóa xã hội và quản lý trật tự xã hội; tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, ủy quyền và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cơ chế xây dựng và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP HCM; cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền và tổ chức bộ máy TP Thủ Đức. Đây là những nội dung toàn diện và sát thực tiễn của TP HCM.
Những nội dung đặt ra trong nghị quyết mới phải giải quyết những "điểm nghẽn" chưa được phát huy ở Nghị quyết 54. Đồng thời, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa về những cơ chế, chính sách mà các địa phương đã được thí điểm để đề đạt, kiến nghị với Quốc hội những cơ chế, chính sách mới thật sự mang tính đột phá, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn đang đặt ra hiện nay và trong những năm tới đối với TP HCM.
Bên cạnh việc tập trung hết sức để hoàn thiện dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, TP HCM sẽ tiếp tục thực hiện những nội dung đã triển khai thuận lợi và có kết quả tốt trong thời gian qua.
TP HCM kỳ vọng gì khi xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54?
- TP HCM đang rất khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. Thành phố sẽ tập trung làm việc, trao đổi với các bộ, ngành, các cơ quan trung ương để xin ý kiến. Quyết tâm của thành phố là trình nghị quyết thay thế trong thời gian sớm nhất.
Trong tháng 11-2022, TP HCM sẽ có báo cáo lần đầu lên Đảng đoàn Quốc hội về dự thảo nghị quyết thay thế để được định hướng hoàn thiện thời gian tới. Thành phố xác định phải hết sức phấn đấu hoàn thiện dự thảo nghị quyết để báo cáo Bộ Chính trị, làm cơ sở báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Việc xây dựng dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 không chỉ là vấn đề xây dựng một cơ chế mang tính thí điểm, đặc thù, mà trên hết chúng ta cần xác định cơ chế nào phù hợp với yêu cầu phát triển của một "siêu" đô thị như TP HCM, cơ chế nào để TP HCM có thể vươn lên với sức bật mới, sức đột phá mới. Từ đó tạo tiền đề để TP HCM tiến về phía trước; để chủ động, không nửa vời; để liên kết vùng miền và đóng góp nhiều hơn cho cả nước, tương xứng với tiềm lực vốn có.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-11
Bình luận (0)