Ngày 23-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự cuộc làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với Bộ Tài chính về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Năm 2021, cắt giảm 900 tỉ đồng kinh phí hội nghị, công tác trong và nước ngoài - Ảnh: Doãn Tấn
Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 trong quản lý, sử dụng nguồn lực, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đã thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN), tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, tiết kiệm được 6.087,9 tỉ đồng trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí NSNN; cắt giảm 100% các dự án đầu tư công không nằm trong quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản.
Năm 2021, tiết kiệm hơn 6.000 tỉ đồng, trong đó cắt giảm 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và nước ngoài là gần 900 tỉ đồng, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Vân Chi, thành viên Đoàn giám sát
Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát lưu ý Bộ Tài chính chủ trì tham mưu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nhiều lĩnh vực quan trọng liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng trong giai đoạn giám sát, một số văn bản thuộc chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Bộ Tài chính vẫn chưa được hoàn thành theo đúng tiến độ, một số văn bản chi tiết chậm ban hành hoặc ban hành chậm hơn so với thời điểm Luật có hiệu lực, một số vướng mắc chậm hoặc chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Các thành viên Đoàn giám sát cũng lưu ý vấn đề sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức, tiêu chuẩn rất thấp, đã "lỗi thời" trong thời gian qua vì nếu không sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế thì rất dễ làm cho cán bộ, công chức buộc phải nghĩ cách để "vận dụng linh hoạt", từ đó dẫn đến vi phạm, làm sai quy định, gây thất thoát, lãng phí nhiều hơn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Thất thoát do lãng phí nhiều khi không kém gì thất thoát do các vụ án tham nhũng, tiêu cực
Qua ý kiến thảo luận tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá rất cao sự chuẩn bị của Đoàn giám sát và Bộ Tài chính.
Nêu ví dụ 2 năm Covid-19, cả nước đã cắt giảm triệt để các khoản chi thường xuyên để tăng nguồn lực chống dịch, Chủ tịch Quốc hội gợi mở những năm tới, Chính phủ, Quốc hội cần xác định năm nào tập trung giải quyết vấn đề thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; năm nào tập trung vào tài sản công...
"Quốc hội quyết được vấn đề này cũng đã là thành công rất lớn của Đoàn giám sát, nếu vẫn duy trì cách làm như trước đây thì thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ còn hình thức"- Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận.
Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý Đoàn giám sát nghiên cứu kiến nghị phát động một cuộc vận động thực hiện phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sâu rộng toàn xã hội.
"Thất thoát do lãng phí nhiều khi không kém gì thất thoát do các vụ án tham nhũng, tiêu cực. Một cuộc vận động với mục tiêu, tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, gắn với đó là chính sách quốc gia về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ dễ được nhân dân ủng hộ và phát huy hiệu quả"- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nêu ví dụ cụ thể một chính sách quốc gia của Nhật Bản là quy định các công sở chỉ được bật điều hoà ở 28 độ, trong khi ở Việt Nam đến công sở bật 18-20 độ suốt cả ngày, vừa ảnh hưởng sức khoẻ, vừa lãng phí nguồn lực, Chủ tịch Quốc hội cho rằng những quy định cụ thể như vậy nhưng hiệu quả, tác dụng rất lớn. Giám sát của Quốc hội có đề xuất được những việc như vậy không? Các tiêu chuẩn, tiêu chí đầu tư, khoa học công nghệ... cũng tương tự như vậy.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tiết kiệm, chống lãng phí không phải đơn thuần như "cây kéo" để cắt xén chi tiêu, mà một khía cạnh khác rất quan trọng là phải kịp thời tháo gỡ khó khăn, kiến tạo thể chế, kiến tạo sự phát triển, tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn. Ngành tài chính phải lo cân đối ngân sách, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia nên cũng luôn phải cẩn trọng hơn, luôn thực hiện tinh thần nếu 1 tỉ đồng mà cần thiết thì chi ngay nhưng 1 đồng mà không cần thiết cũng không chi.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh việc rà soát, quy định định mức chi thường xuyên theo hướng ban hành định mức khung và phân cấp để các bộ, ngành, địa phương chủ động quy định, thực hiện, gắn với đó là cơ chế khoán chi; đánh giá lại việc khoán xe công, xem xét lại các định mức về chi tiêu công, tài sản công và xe công; đánh giá, báo cáo tổng hợp nguồn cải cách tiền lương; thu hồi các khoản cho vay của NSNN; xem xét lại trách nhiệm quản lý nhà nước đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu phát hành riêng lẻ; rà soát, xác định lộ trình sửa đổi, bổ sung các luật về thuế...
Một vấn đề quan trọng khác theo Chủ tịch Quốc hội, Đoàn giám sát nên kiến nghị Chính phủ rà soát lại việc miễn, giãn, giảm thuế bằng công văn, các quyết định hành chính không đúng thẩm quyền, nhất là áp dụng cho các doanh nghiệp FDI; tăng cường chống chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI; xử lý các tồn đọng của dự án BT, BOT; rà soát các quy định về quản lý nợ công; rà soát xử lý các dự án treo, chậm tiến độ, phân loại để có kiến nghị giải pháp cụ thể...
Đã chuyển dịch hơn 230 ngàn ha đất sang các mục đích phi nông nghiệp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết về công tác quản lý đầu tư công, qua thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước giai đoạn 2016-2020, đã giảm giá trị đề nghị quyết toán hơn 27 ngàn tỉ đồng; đã chuyển dịch hơn 230 ngàn ha đất sang các mục đích phi nông nghiệp; xử lý, thu hồi, yêu cầu đưa vào sử dụng 100 ngàn ha đất của các dự án chậm triển khai.
Bình luận (0)