Chuyến thăm thực hiện theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Hồi giáo Iran Mohammad Baqer Qalibaf.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Sân bay Mehrabad, thủ đô Tehran. Ảnh: TTXVN.
Đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn tại sân bay có Phó Chủ tịch Quốc hội Iran Mojtaba Zolnoori; Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Iran - Việt Nam, ông Jalil Rahimi Jahanabadi. Đại sứ Việt Nam tại Iran Lương Quốc Huy cùng các cán bộ Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Iran nồng nhiệt chào mừng đoàn tại sân bay.
Dự kiến trong chuyến thăm chính thức Iran, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo cấp cao của Iran; tham dự một số hoạt động văn hóa, kinh tế, đối ngoại…; gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Iran.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Anh Tuấn cho biết Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thăm chính thức Iran đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (4.8.1973 - 4.8.2023) và cũng sau gần 25 năm kể từ chuyến thăm Iran năm 1999 của Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, 5 năm sau chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Iran (năm 2018).
Chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Iran của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là dấu mốc đặc biệt quan trọng đánh dấu việc tăng cường và là tiền đề để mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Quốc hội hai nước trong thời gian tới.
Chuyến thăm nhằm tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động lập pháp, phát huy hiệu quả hơn nữa cơ chế phối hợp tại các diễn đàn nghị viện đa phương, đồng thời góp phần thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam và Iran trên tất cả các cấp từ Trung ương, các bộ, ngành và hợp tác địa phương.
Lễ đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Sân bay Mehrabad, thủ đô Tehran. Ảnh: TTXVN.
Đại sứ Iran tại Việt Nam Ali Akbar Nazari kỳ vọng chuyến thăm này sẽ giúp mở rộng quan hệ song phương giữa hai nước
Trong khuôn khổ chuyến thăm, một số văn kiện hợp tác giữa hai nước sẽ được hoàn thiện và ký kết, chắc chắn sẽ đưa quan hệ hai nước phát triển hơn nữa.
Theo Đại sứ, kinh tế của Iran và Việt Nam bổ sung cho nhau. Là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, Việt Nam cần năng lượng và các sản phẩm hóa dầu hơn bao giờ hết, trong khi Iran là một trong những nhà xuất khẩu dầu mỏ và các sản phẩm hóa dầu lớn nhất với giá cả cạnh tranh, điều này có thể tạo cơ hội cho hợp tác hơn nữa giữa hai nước.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam có thể cung cấp cà phê, chè và gia vị cho thị trường Iran. Iran có thể xuất khẩu sang thị trường Việt Nam các mặt hàng nông sản như táo, kiwi, anh đào… Bằng việc tăng cường hợp tác kinh tế, hai nước có thể tận dụng thế mạnh của nhau và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Trong thời gian tới, hai nước cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, tăng cường kết nối doanh nghiệp, thúc đẩy sớm đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại ưu đãi và trong dài hạn là Hiệp định thương mại tự do nhằm tạo thuận lợi, tăng cường quan hệ thương mại.
Bình luận (0)