Với mức tăng trưởng 0,7%, chỉ số này của TP HCM thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương (TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) và thấp hơn mức trung bình chung của cả nước, xếp hạng 56/63 địa phương.
Thảo luận về vấn đề trên tại phiên họp về tình hình kinh tế TP HCM quý I-2023, TS Trần Du Lịch – chuyên gia theo dõi TP HCM trong nhiều năm, nói đây là mức tăng trưởng thấp nhất của TP HCM trong nhóm 5 thành phố thuộc Trung ương tính từ khi thành phố có Nghị quyết 01/1982 của Bộ Chính trị.
TS Trần Du Lịch chỉ ra 3 nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế quý 1-2023 của thành phố chỉ 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương; Ảnh: HOÀNG TRIỀU
"Tôi suy nghĩ rất nhiều. Nhiều người hỏi tôi điều gì làm thành phố có mức tăng trưởng thấp như vậy"- TS Trần Du Lịch trăn trở.
Ông cho biết một vấn đề có tính quy luật đối với TP HCM. đó là nếu tình hình thế giới tốt thì thành phố chuyển biến rất tích cực và ngược lại. Nhìn toàn cảnh tình hình thế giới lẫn trong nước, rất không may cho kinh tế cả nước và TP HCM là trong quý 4-2022 vừa chịu tác động lớn từ bên ngoài là biến động thị trường tài chính thế giới và bên trong với những bất ổn về ngân hàng, tín dụng, thị trường bất động sản.
"Hai yếu tố này cộng hướng làm chúng ta cực kỳ khó khăn và TP HCM là địa bàn chịu tác động của 2 yếu tố này mạnh nhất cả nước"- TS Lịch nhìn nhận.
Tuy nhiên, đến thời điểm quý 1-2023, tình hình trong cả nước đã dễ chịu hơn, khi ngân hàng vượt qua nguy cơ đỗ vỡ; kiểm soát được lạm phát tỷ giá và ứng phó thị trường tài chính thế giới.
Thế vì sao tăng trưởng quý 1-2023 của TP HCM lại thấp như vậy, TS Trần Du Lịch phân tích có 3 động lực mà Chính phủ và thành phố đã thống nhất đề ra để kéo nền kinh tế trở lại nhưng thành phố chưa làm được. "Nói như Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên thành phố vẫn chưa hết bệnh, cần thuốc"- ông Lịch nói.
Một là giải ngân vốn đầu tư công. Quý 1-2023, TP HCM chỉ giải ngân được 2%. TP HCM đã bỏ lỡ công cụ kích thích nền kinh tế là đầu tư công.
Hai là TP HCM chưa hấp thụ được vốn. "Đây là vấn đề tôi đã đề xuất TP HCM trong năm 2022 với 10 nhóm giải pháp, trong đó cần công khai, minh bạch toàn bộ các dự án đang tồn đọng, cái nào làm, cái nào không làm nhưng tới nay vẫn chưa có. Vậy công cụ hấp thụ vốn chúng ta không thực hiện được, không thành công"- TS Trần Du Lịch "mổ xẻ".
Ba là phát triển thị trường nội địa. Chưa bao giờ mà tổng doanh thu dịch vụ bán hàng của TP HCM thấp hơn cả nước. Cả nước 10,3%, thành phố chỉ bằng 1/3.
"3 trụ cột thúc đẩy nền kinh tế, liều thuốc sau thời kỳ bạo bệnh nhưng TP HCM đều không sử dụng hiệu quả"- TS Lịch nêu quan điểm.
Đây là những vấn đề ông đã kiến nghị, không biết thành phố đã triển khai đến đâu. Quan trọng nhất là phải gỡ được đầu tư công, đầu tư tư nhân, minh bạch trong đầu tư để tạo niềm tin, hấp thụ được vốn…
Tuy nhiên, TS Trần Du Lịch vẫn tin tưởng trong thời gian tới, vào khoảng quý 3-2023, kinh tế TP HCM sẽ khởi sắc trở lại. Bởi thành phố có truyền thống năng động, sáng tạo; có vị thế như đã khẳng định trong Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị và sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố; giải quyết được những vấn đề trì trệ, gỡ khó để hấp thụ vốn, không chung chung mà phải công khai, minh bạch để tập niềm tin cho doanh nghiệp.
Nếu làm được, thành phố sẽ bù đắp được những cái mất thời gian qua.
Bình luận (0)