Tại buổi thảo luận tại hội trường của kỳ họp thứ 5 HĐND TP HCM khóa IX sáng 5-7, lãnh đạo ngành tài nguyên môi trường và trung tâm chống ngập TP đã giải trình vì sao sau 10 năm đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng mà đến nay kênh Ba Bò vẫn còn mùi hôi.
Không dám hứa cuối năm xong
Mở đầu phần giải trình của ngành tài nguyên, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Toàn Thắng thẳng thắn thừa nhận: "Đúng là kênh Ba Bò đang có mùi hôi như các đại biểu và cử tri phản ánh".
Theo ông Thắng, kênh Ba Bò không chỉ tiếp nhận nguồn nước thải từ các khu dân cư ở TP HCM mà chủ yếu là các khu dân cư ở Bình Dương, đặc biệt là từ 2 KCN Sóng Thần 1, Sóng Thần 2. Do đó, TP không thể chủ động kiểm soát mà còn phụ thuộc nhiều vào Bình Dương.
Ông Thắng cho biết hiện các nguồn thải chính ra kênh Ba Bò là KCN Sóng Thần 1, Sóng Thần 2 đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Trong khi đó, 6 cụm dân cư tại Bình Dương xả thẳng ra kênh chưa qua xử lý. "Đây chính nguyên nhân gây ô nhiễm kênh Ba Bò. Tiến độ để xử lý nguồn thải này dự kiến cuối năm 2017 hoàn thành và thuộc về trách nhiệm của Bình Dương" – ông Thắng cho hay.
Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nguyễn Toàn Thắng giải trình về ô nhiễm kênh Ba Bò
Trước ý kiến này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ lo ngại. Bà Tâm đặt vấn đề: "Tôi nghĩ sở phải bàn với tỉnh Bình Dương để khắc phục ô nhiễm tại kênh Ba Bò. Bởi với tình hình hiện nay thì chúng ta phải đặt ra vấn đề là vốn đầu tư công đã hiệu quả hay chưa?"
Theo bà Tâm, mục tiêu đặt ra khi làm dự án là giải quyết ô nhiễm môi trường. TP đã đầu tư số vốn rất lớn và bây giờ dự án gần xong rồi mà kênh vẫn còn ô nhiễm, mùi hôi vẫn còn. "Nếu đã xác định được nguyên nhân rồi thì biện pháp giải quyết thế nào? Đề nghị sở nói rõ 2 ý kiến đó, nếu không được thì UBND TP làm rõ" - bà Tâm đề nghị.
Ông Thắng nói thêm trong cam kết của TP và Bình Dương khi xây dựng dự án Ba Bò, Bình Dương đã ghi vốn hơn 3.000 tỉ đồng để xử lý nước thải khu Nam Bình Dương, trong đó có 6 cụm dân cư đã nêu cộng với hồ xử lý nước thải sinh học mà TP xây dựng thì sẽ trở thành một hệ thống xử lý nước thải đồng bộ. Dự kiến đến cuối năm nay, khi Bình Dương hoàn thành hệ thống thu gom thì sẽ xử lý xong mùi hôi của kênh Ba Bò.
Chưa yên tâm, bà Tâm yêu cầu ngành tài nguyên môi trường có một lời hứa cụ thể: "Mình có cam kết với người dân là cuối năm nay giải quyết xong ô nhiễm không?". Tuy nhiên, ông Thắng không trả lời trực tiếp mà cho biết sở hiểu trách nhiệm của mình về việc phối hợp với Bình Dương để dự án phát huy hiệu quả đúng tiến độ. "Tinh thần quyết liệt thúc đẩy dự án và sẽ cố gắng hết sức" - ông Thắng nói.
Đã có hồ sinh học mà "để dành":
Tiếp theo phần trả lời của ngành tài nguyên môi trường, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP Nguyễn Ngọc Công cho biết, ở dự án Ba Bò, TP HCM chịu trách nhiệm xử lý nước thải, còn Bình Dương thực hiện dự án thu gom. "Không biết Bình Dương xây xong hết các dự án liên quan chưa nhưng chúng tôi quan sát thì buổi tối nước kênh Ba Bò đúng là rất đen và hôi. Chứ ban ngày nước trong hơn, không có mùi hôi. Chúng tôi nghi là có việc xả lén nước thải công nghiệp chưa qua xử lý vào kênh" – ông Công nói.
Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập Nguyễn Ngọc Công: "Nghi có việc xả lén nước thải công nghiệp chưa qua xử lý vào kênh"
Nghe đến đây, bà Tâm đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn. "Anh Công nói có việc xả lén nước thải công nghiệp, trong khi đó hồ sinh học chỉ xử lý nước thải sinh hoạt, vậy nếu nước thải công nghiệp vào có hư hồ không? Hồ hư thì ai chịu trách nhiệm" – bà Tâm đặt câu hỏi.
Ông Công cho rằng nước nước thải công nghiệp tràn vào thì sẽ hư hồ xử lý sinh học. Hiện nay, để đảm bảo an toàn, hồ sinh học và hồ điều tiết được cách ly bởi rào chắn. "Hồ sinh học chỉ xử lý chất thải sinh hoạt. Hiện chúng tôi làm đập ngăn hai hồ. Trung tâm sẽ báo cáo TP trước khi vận hành cũng như báo cáo quan trắc đầu ra xem có chất thải công nghiệp hay không" - ông Công nói.
Tuy nhiên, câu trả lời này không làm giảm được sự lo lắng của bà Tâm. "Tôi vẫn thấy có gì đó chưa rõ. Chưa tách được nguồn thải thì rất lo cho hồ sinh học" - bà Tâm nói.
Trước sự chưa hài lòng của vị Chủ tịch HĐND TP, đích thân Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong trả lời. Ông Phong cho biết trách nhiệm của UBND TP là sẽ làm việc với Bình Dương để làm rõ nguồn thải vào kênh Ba Bò, xem lại tất cả các cam kết trước đây giữa hai địa phương nhằm đảm bảo hồ sinh học mà TP xây dựng sẽ vận hành an toàn, hiệu quả.
Kết luận vấn đề, bà Tâm đề nghị UBND TP phối hợp tốt để xử lý hiệu quả. Về lâu dài, phải quản lý được nguồn thải nên phải quan trắc và thông số phải đảm bảo để vận hành.
Không có chuyện dẹp vỉa hè để thu phí
Trước nghi vấn của đại biểu phản ánh nghi ngờ của cử tri về việc dẹp vỉa hè để thu phí, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa khẳng định: "Mục đích của chính sách dẹp vỉa hè có phải thu phí không. Tôi xin khẳng định hoàn toàn là không".
Theo ông Khoa việc thu phí lòng đường, vỉa hè đã có từ trước. Hiện nay sử dụng vỉa hè vào mục đích sinh lợi cho cá nhân thì phải có nghĩa vụ nộp lại để tổ chức lại trật tự, cơ sở vật chất. Tuy nhiên, giá này đã lạc hậu nên Sở GTVT mới trình mức giá mới cho phù hợp với thực tế hiện nay.
Ông Khoa cũng nhấn mạnh quan điểm của lãnh đạo TP trong công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè là không đẩy đuổi, mà xử lý hành vi lấn chiếm sử dụng trái phép vỉa hè, sử dụng vỉa hè làm ảnh hưởng giao thông, tài sản, tính mạng người khác.
"Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của UBND TP là kiên trì, không thể làm một bữa một ngày là xong, không làm kiểu "đánh trống bỏ dùi" mà làm kiên trì để chuyển đổi nhận thức của người dân, cơ quan, cố gắng thực hiện theo quan điểm đó" - ông Khoa nhấn mạnh lần nữa.
Bình luận (0)