Ngày 27-10, thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ xem xét, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, tạo động lực cho phát triển bền vững.
Tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ, đại biểu Cầm Hà Chung cho biết nhiều địa phương mong muốn có cơ chế đặc thù, để tháo gỡ điểm nghẽn, thu hút đầu tư, phát huy lợi thế để phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, ông Chung cho rằng, việc giải quyết mong muốn của các địa phương nếu không ổn thoả, không có tiêu chí cụ thể sẽ tạo áp lực lên các địa phương chưa có cơ chế đặc thù.
Theo đại biểu Chung, nếu giải quyết không thỏa đáng, sẽ dễ gây "hiểu lầm", vì sao địa phương kia được tạo cơ chế đặc thù, địa phương này được thí điểm, có chính sách riêng trong khi nhu cầu cuộc sống của người dân và cán bộ là như nhau.
"Có đặc quyền, đặc lợi ở đây không, có không công bằng không? Do đó, Chính phủ, các cơ quan liên quan, các địa phương liên quan cần nghiên cứu, giải trình hoặc triển khai minh bạch, tạo sự thống nhất"- đại biểu Cầm Hà Chung nêu quan điểm và cho rằng, cần xác định rõ tiêu chí khi xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để tránh cơ chế xin - cho.
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ đề nghị cần có chỉ tiêu cụ thể để đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương - Ảnh: Quochoi.vn
Góp ý về nội dung này, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) kiến nghị bổ sung, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong Nghị quyết để làm cơ sở giám sát, đánh giá hiệu quả triển khai trên thực tế. "Chúng ta tạo cơ chế, chính sách đặc thù, giao thêm quyền, phân cấp thì phải có chỉ tiêu, mục tiêu rõ ràng để sau này đánh giá kết quả thực hiện"- ông Hạ nói.
Đề nghị Chính phủ cân nhắc, nghiên cứu kỹ thế mạnh của từng tỉnh để có cơ chế cho phù hợp, đạt được hiệu quả cao nhất, đại biểu Tạ Văn Hạ cũng lưu ý cần gắn với trách nhiệm người đứng đầu khi ban hành chính sách, cơ chế đặc thù. Theo vị đại biểu, gắn trách nhiệm người đứng đầu để việc thực hiện Nghị quyết có hiệu quả hơn.
"Có thêm quy định về trách nhiệm người đứng đầu để thể hiện đây không phải là cơ chế xin - cho, phải có bản lĩnh thì mới dám xin cơ chế đặc thù. Việc tạo cơ chế đặc thù cũng sẽ tạo cơ hội cho những lãnh đạo địa phương có năng lực, dám nghĩ, dám làm"- ông Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.
Vị đại biểu tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đưa ra các tiêu chí, điều kiện thì địa phương đó được lựa chọn để thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù. Sở dĩ cần có tiêu chí, điều kiện cụ thể, bởi đại biểu Tạ Văn Hạ lo ngại sắp tới các địa phương khác cũng sẽ đề xuất cơ chế đặc thù, lúc này thì không có cơ sở để cho phép tỉnh này mà không cho phép tỉnh kia.
Băn khoăn với việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho từng tỉnh, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, ban hành Nghị quyết về chính sách, đặc thù riêng cho từng vùng sẽ phù hợp. Ông nhấn mạnh, khi ban hành Nghị quyết cho cả vùng, sẽ tránh được sự so bì giữa các địa phương với nhau, hơn nữa, sẽ tạo động lực cho phát triển chung cả vùng.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, ví von nước ta có 63 tỉnh, thành phố như 63 người con, mỗi người con có năng lực, tiềm năng, lợi thế khác nhau. Ngoại trừ Hà Nội có Luật Thủ đô ra, thì 62 tỉnh, thành phố còn lại nếu không có các cơ chế, chính sách riêng thì khó kích hoạt các tiềm năng, lợi thế của từng nơi. Vị đại biểu đồng tình với việc thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù để từ đó phân biệt các địa phương, cá biệt hóa chính sách.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) khẳng định ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho 4 tỉnh, thành lần này là hướng đi đúng và phù hợp với quan điểm bền vững.
Chia sẻ với băn khoăn của một số đại biểu về "tấm chăn" ngân sách đang rất hạn hẹp, kéo bên này thì hở bên kia, đại biểu Hoa cho rằng đó cũng là lý do cần có cơ chế đủ mạnh để các tỉnh thành thoát khỏi tấm chăn đó. "Các cơ chế, chính sách cho 4 tỉnh đã đảm bảo được tính đặc thù, đây sẽ là cơ hội cho các địa phương đột phá và tạo sự lan tỏa trong khu vực"- đại biểu Hoa nêu quan điểm.
Theo đề xuất của Chính phủ, các tỉnh được hưởng cơ chế về chính sách dư nợ vay, như tỉnh Thừa Thiên - Huế, Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; Hải Phòng, Thanh Hóa được vay không quá 60%.
Dự thảo nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm chính sách phí, lệ phí và ngân sách được hưởng 100% số thu tăng thêm. Cụ thể, Hải Phòng và Thanh Hóa được quyết định áp dụng các loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục đã ban hành.
Ngoài ra, nghị quyết cho phép địa phương được hưởng cơ chế đặc thù về quản lý đất đai, quản lý sử dụng rừng như chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ trên cơ sở lấy ý kiến người dân.
Chính phủ đề xuất phân cấp cho hai tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa được quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô dưới 50 ha, rừng sản xuất dưới 1.000 ha.
Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế sẽ được hưởng 50% khoản thu mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha. Trong khi đó, Hải Phòng được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức với mức không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản.
Bình luận (0)