Ngày 25-7, tiếp theo chương trình kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025. Quốc hội làm việc cả ngày Chủ nhật để rút ngắn thời gian kỳ họp, bế mạc sớm hơn dự kiến, ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trong phiên thảo luận, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để phân tích về tình hình dịch Covid-19 thời gian qua và đặt ra các vấn đề để Quốc hội, Chính phủ xem xét, tháo gỡ, sớm khống chế đại dịch, khôi phục phát triển kinh tế.
Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) dành trọn thời lượng 7 phút để đề cập đến dịch Covid-19. Vị đại biểu đánh giá công tác phòng, chống dịch của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, việc chống dịch quyết liệt nhưng không được thái quá.
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ cho rằng, "ném đá" bệnh nhân Covid-19 không phải là cách cùng nhau vượt qua đại dịch
Theo đại biểu Thuỷ, một số địa phương đã triển khai các giải pháp đón đầu dịch như tăng cường xét nghiệm ngẫu nhiên, sàng lọc, tận dụng thời gian vàng để khống chế dịch. Tuy nhiên, ở một số địa phương lại ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành thái quá, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
"Có địa phương không cho xe chở nông sản đi qua mặc dù có giấy xác nhận an toàn phòng, chống dịch. Một số doanh nghiệp phản ánh, xe chở nông sản qua được hầu hết các tỉnh, TP, nhưng đến tỉnh cuối cùng để giao hàng thì phải quay xe trở về, bởi mỗi tỉnh có một quy định khác nhau, gây khó khăn cho doanh nghiệp"- đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.
So sánh cả nước như một cơ thể sống, quan hệ tuần hoàn chặt chẽ, nên không thể vì chỗ bị bệnh mà tách rời hết tất cả, đại biểu tỉnh Bắc Kạn cho rằng vấn đề đặt ra là làm sao cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế.
Về vấn đề này, đại biểu Thủy đánh giá cao sự vào cuộc khẩn trương của Chính phủ khi Thủ tướng Chính phủ đã có công điện để chấn chỉnh một số địa phương áp dụng biên pháp chống dịch thái quá.
Trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đã tăng tính răn đe, nhiều biện pháp mạnh đã được áp dụng, trong đó có khởi tố hình sự.
Nhắc lại đề nghị của Bộ Y tế về việc không công khai lịch trình của bệnh nhân Covid-19 hồi cuối tháng 5, đại biểu Thủy đánh giá đây là một việc làm cần thiết. Theo bà, trước đây công khai lịch trình di chuyển, điểm đến, khiến không ít bệnh nhân, người nhà trở thành tâm điểm của sự thêu dệt, suy diễn, thậm chí là bị "ném đá" trên mạng xã hội, gây tổn thương và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của bệnh nhân, gia đình và rộng hơn là công tác phòng, chống dịch. "Đây không phải là cách để chúng ta cùng nhau vượt qua đại dịch"- bà Thủy nhấn mạnh.
Theo đại biểu Thuỷ, sau 2 tháng thực hiện, Bộ Y tế ghi nhận là đã nhận được sự hợp tác tích cực của người bệnh, yên tâm cung cấp thông tin, từ đó truy vết kịp thời nhưng cũng đảm bảo quyền riêng tư cho người bệnh.
Trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhắc đến sự gian khổ, hi sinh của các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đại biểu cũng cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm nhất đưa lực lượng công an, quân đội vào chống dịch Covid-19.
"Hàng chục ngàn nhân viên y tế đã và đang vẫn phải gồng mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít, dưới cái nắng như thiêu như đốt ngày hè. Những bữa cơm ăn vội, thậm chí còn ngủ gục bên nồi cơm đang ăn dở..."- bà Thủy nói và cho rằng đây là những lá chắn vững chắc cho người dân.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) trong phiên thảo luận cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch, có kịch bản lâu dài, có chiến lược "sống chung với dịch bệnh", hướng đến trạng thái bình thường mới.
Vị đại biểu tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị Chính phủ bên cạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đảm bảo chuỗi cung ứng không đứt gãy, cần quan tâm tới người lao động trong khu công nghiệp để họ yên tâm sản xuất.
Bình luận (0)