K ể từ 6 giờ ngày 24-7, TP Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định việc thành phố áp dụng Chỉ thị 16 lúc này là đòi hỏi tất yếu để phòng chống dịch Covid-19, bảo vệ an toàn tính mạng người dân.
Kiểm soát chặt người vào thành phố
Theo ghi nhận, trong ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, các chốt kiểm dịch của TP Hà Nội kiểm soát chặt việc lưu thông ra vào thành phố.
Tại chốt kiểm soát ở trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ (huyện Thanh Trì), nhiều người dân và phương tiện từ các tỉnh, thành đã phải dừng lại, quay đầu xe vì chưa nắm được thông tin chỉ thị ban hành vào đêm 23-7. Đại úy Lê Văn Chiển, Phó Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 thuộc Cục CSGT, cho biết Cục CSGT đã lập chốt ở đầu đường cao tốc để phân luồng, sàng lọc các phương tiện lưu thông vào TP Hà Nội. Chỉ những phương tiện đủ điều kiện về "làn xanh", chở nhu yếu phẩm theo chỉ đạo của Chính phủ mới được phép lưu thông vào thành phố. Trong sáng 24-7, khoảng 80% phương tiện phải quay đầu vì không đủ điều kiện.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội, thông tin ngay trong sáng 24-7, sở đã tổ chức lại hoạt động lưu thông trên địa bàn, trong đó xác định 3 đối tượng ưu tiên gồm: xe chở hàng hóa bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa trên "luồng xanh" quốc gia, có lộ trình đi qua TP Hà Nội; xe chở hàng hóa thiết yếu cho TP Hà Nội của các cơ sở sản xuất - kinh doanh dịch vụ và xe phục vụ các công trình xây dựng được phép hoạt động theo Chỉ thị 17 của UBND TP; xe chở người và các phương tiện phục vụ, hoạt động công vụ cho các cơ quan, đơn vị, các cơ sở sản xuất - kinh doanh, các công trình xây dựng được phép hoạt động theo Chỉ thị 17 và các loại phương tiện vận chuyển khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hà Nội cũng đã thiết lập 22 chốt kiểm dịch; bố trí 30 chốt kiểm soát cấp thành phố và 26 chốt tại quận, huyện để bảo đảm kiểm soát hoạt động hằng ngày theo đúng quy định. Để giải quyết tình trạng ùn tắc ở một số chốt, Sở Giao thông Vận tải đang phối hợp để tổ chức chốt thành nhiều lớp.
Nhiều tài xế đã phải quay đầu xe khi vào TP Hà Nội vì không đủ điều kiện phòng chống dịch Covid-19 Ảnh: Vân Anh
4 tầng điều trị bệnh nhân F0
Hiện trung bình 1 ngày TP Hà Nội phát hiện thêm 50 - 60 trường hợp F0, dự kiến thời gian tới diễn biến tăng. Sở Y tế TP đã xây dựng phương án, kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn. Phương án đang áp dụng theo kịch bản 1.000 giường; sắp tới xây dựng kịch bản cho 5.000, 10.000, 20.000 và 50.000 giường... và chia 4 tầng điều trị. Tầng 1 bao gồm 80% bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được điều trị tại các bệnh viện dã chiến, trên cơ sở thành lập từ các khu cách ly tập trung. Với tầng này, TP Hà Nội đã sẵn sàng kích hoạt bệnh viện dã chiến tại Trường Quân sự Thủ đô và các bệnh viện dã chiến trong khu cách ly Pháp Vân - Tứ Hiệp với quy mô 3 tòa nhà, mỗi tòa nhà 700 giường bệnh.
Tầng thứ 2 điều trị các bệnh nhân có triệu chứng trung bình và có bệnh lý nền. Sở sẽ kích hoạt các bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện để thu dung, điều trị, mỗi bệnh viện có thể đáp ứng 250 giường bệnh. Tầng 3 và 4 gồm 5% bệnh nhân nặng, trong đó có 1% bệnh nhân rất nặng phải thở máy hoặc lọc máu, nguy cơ tử vong cao thì kích hoạt ngay Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thành bệnh viện hồi sức tuyến cuối, trước mắt bố trí 250 giường.
Thực hiện phương châm "4 tại chỗ", Sở Y tế cũng sẽ triển khai quy chế phối hợp để tận dụng tối đa nguồn lực y tế trên địa bàn, đó là các cơ sở y tế ngoài công lập, tuyến trung ương, các bộ - ngành, quân đội, công an.
"Với những kịch bản như vậy, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND TP, trong thời gian tới, hoàn toàn đáp ứng được với từng tình huống cụ thể" - đại diện Sở Y tế TP Hà Nội khẳng định.
17.583 người điều trị khỏi bệnh, tiêm chủng gần 4,5 triệu liều vắc-xin
Bộ Y tế cho biết ngày 24-7, nước ta ghi nhận có 7.968 ca mắc mới, trong đó 31 ca nhập cảnh và 7.937 ca trong nước. TP HCM tiếp tục có số ca mắc cao nhất, với 5.396 ca; kế đến là Bình Dương 785 ca, Long An 604... Trong ngày, nước ta có thêm 2.047 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 17.583 ca. Đáng chú ý, trong ngày, TP HCM có thêm 2.226 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số ca điều trị khỏi bệnh tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 10.699 người.
Bộ Y tế thông tin thêm đến nay, tổng số liều vắc-xin Covid-19 đã được tiêm trên cả nước là 4.478.757, trong đó tiêm 1 mũi là 4.125.156 liều, tiêm mũi 2 là 353.601 liều. Hiện 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã được Bộ Y tế phân bổ hơn 4,883 triệu liều vắc-xin Covid-19. Riêng TP HCM, Bộ Y tế đã phân bổ gần 2,36 triệu liều vắc-xin, trong đó đã tiêm hơn hơn 1 triệu liều, đạt hơn 44%. Trong 2 ngày 24 và 25-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Ðà Nẵng và Bệnh viện Ðà Nẵng tổ chức tiêm vắc-xin Pfizer phòng Covid-19 cho các bệnh nhân mạn tính đang điều trị tại các cơ sở y tế với số lượng 1.170 liều vắc-xin Pfizer mũi 1.
Bình luận (0)