Theo Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đã có chuyến thăm Cần Thơ từ ngày 7 đến 8-4. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Đại sứ đã gặp lãnh đạo TP Cần Thơ, ban giám hiệu trường Đại học Cần Thơ, các nhà hoạt động môi trường, sinh viên, và các nhân viên y tế tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19.
Đại sứ Knapper gặp Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam
Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh, Đại sứ Knapper đã trao đổi về các ưu tiên của mối quan hệ song phương, tái khẳng định cam kết của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với quan hệ song phương Mỹ - Việt Nam, và với việc giải quyết các thách thức mà khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối diện.
Hai bên đã thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực cùng quan tâm như biến đổi khí hậu, y tế, và giáo dục. "Tương lai của Việt Nam và mối quan hệ Mỹ-Việt Nam không chỉ được định hình bởi Hà Nội và TP HCM, mà còn bởi người dân ở tất cả 63 tỉnh thành của Việt Nam. Những nơi như Cần Thơ sẽ đóng vai trò quan trọng đối với quan hệ hợp tác giữa hai nước chúng ta trong 25 năm tới"- Đại sứ Knapper khẳng định.
Đại sứ Knapper thăm không gian Điểm hẹn Mỹ tại Đại học Cần Thơ - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam
Cũng trong chuyến thăm, Đại sứ Knapper đã có cơ hội thăm đồng bằng sông Cửu Long bằng thuyền cùng các nhà sinh thái học để trực tiếp tìm hiểu các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với môi trường, các cộng đồng, y tế công cộng, và kinh tế. Đại sứ đã gặp các chuyên gia về môi trường của viện DRAGON-Mekong để thảo luận về các nghiên cứu tiên tiến và các khóa đào tạo của viện, cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên các đồng bằng lớn như đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Đại sứ quán, thông qua Quan hệ Đối tác Mekong-Mỹ, nước Mỹ tiếp tục hỗ trợ các nước ở khu vực hạ lưu sông Mekong thúc đẩy sự ổn định, hòa bình, thịnh vượng, và phát triển bền vững. Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tại Việt Nam đã tài trợ rất nhiều chương trình về quản lý rừng, đa dạng sinh học và bảo tồn khắp đất nước, để giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Đại sứ Knapper đi thuyền thăm sông Hậu cùng các nhà môi trường học - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam
Đại sứ Knapper đã làm việc với ban giám hiệu Đại học Cần Thơ để tái khẳng định cam kết của Mỹ với một mối quan hệ đối tác tập trung vào giáo dục thông qua giao lưu nhân dân, và tiếp nối hợp tác trong lĩnh vực môi trường bền vững.
Trong chuyến thăm, Đại học Cần Thơ, Đại sứ đã giao lưu với các sinh viên tại không gian Điểm hẹn Mỹ, và khuyến khích các bạn đầu tư cho hành tinh của chúng ta, bởi "Bảo vệ môi trường không phải là thách thức của riêng chính phủ, mà là trách nhiệm của toàn cộng đồng". Đại sứ kêu gọi các bạn sinh viên hành động để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và khôi phục hệ sinh thái. Đại sứ Knapper cũng có buổi gặp gỡ với các cựu sinh trở về từ các chương trình học bổng của chính phủ Mỹ và đã thiết kế nên những chương trình ý nghĩa về giáo dục, môi trường, kinh doanh, bình đẳng giới, tiếp tục chung tay để tăng cường quan hệ đối tác Mỹ-Việt Nam.
Ngày 8-4, Đại sứ Knapper đã tham dự buổi lễ khai trương Hệ thống làm sạch sông ngòi "The Interceptor 003", một cỗ máy sử dụng năng lượng mặt trời để thu gom rác thải trên sông Cần Thơ. Cần Thơ là một trong 15 thành phố ven sông trên toàn thế giới được chọn cho chương trình Interceptor - kết quả của sự hợp tác giữa công ty Coca-Cola và tổ chức phi chính phủ The Ocean Cleanup. Mục đích của chương trình là giảm lượng rác thải từ sông ngòi đổ ra đại dương. Khi vận hành hết công suất, máy Interceptor 003 có thể thu gom tới 50.000 kg rác thải trên sông Cần Thơ mỗi ngày.
Đại sứ Knapper đã kết thúc chuyến thăm đầu tiên đến Đồng bằng sông Cửu Long bằng việc tham dự buổi lễ tôn vinh các nhân viên y tế địa phương và những nỗ lực không mệt mỏi của họ để chống dịch Covid-19. Được tổ chức nhân ngày Sức khỏe thế giới, buổi lễ cũng có sự hiện diện của Giám đốc USAID tại Việt Nam Ann Marie Yatishock.
"Mỹ luôn là một đối tác tận tâm, cung cấp vắc-xin, hỗ trợ kỹ thuật quản lý các ca nhiễm và trang thiết bị như máy thở và các hệ thống oxy cho chăm sóc chuyên sâu. Mặc dù vậy, chúng ta biết rằng không có điều gì trong số này có thể phát huy hiệu quả nếu không có các nhân viên y tế tuyến đầu. Đó là lý do tại sao hỗ trợ cho các y bác sĩ tuyến đầu trở thành nền tảng của quá trình ứng phó dịch bệnh là điều hết sức cần thiết"- Đại sứ Knapper nhấn mạnh tại sự kiện.
Bình luận (0)