Cam kết mạnh mẽ
Tuy đối mặt với nhiều thách thức song xu thế hợp tác, liên kết kinh tế tiếp tục được thúc đẩy, cùng với chính sách cạnh tranh, gia tăng ảnh hưởng của các nước lớn và nhu cầu phát triển kinh tế, đa dạng hóa quan hệ của các nền kinh tế đang nổi và đang phát triển. Châu Á - Thái Bình Dương đi đầu trong xu thế hợp tác, liên kết kinh tế với các hình thức liên kết đa dạng, đa tầng nấc.
Đặc biệt, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ ngày 30-12-2018 là minh chứng cho quyết tâm của các nền kinh tế khu vực theo đuổi tự do hóa thương mại dựa trên luật lệ, mở, công bằng, bao trùm và có lợi cho tất cả các bên tham gia.
Những chuyển biến của cục diện kinh tế - thương mại khu vực và toàn cầu có tác động nhiều mặt tới Việt Nam. Một mặt, chúng ta đứng trước cơ hội mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ hợp tác với các nước lớn và các đối tác quan trọng. Mặt khác, Việt Nam đứng trước nguy cơ chịu ảnh hưởng từ cọ xát kinh tế - thương mại nước lớn và biến động của môi trường bên ngoài, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, tài chính - tiền tệ, biến đổi khí hậu, căng thẳng địa chính trị…
Một trong những dấu ấn nổi bật của hội nhập, liên kết kinh tế năm qua là việc đẩy mạnh đàm phán, ký kết và tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Đặc biệt, ngày 8-3-2018, Việt Nam và các nước đối tác đã ký kết CPTPP, là FTA thế hệ mới có quy mô cam kết rộng và tiêu chuẩn cao nhất từ trước đến nay mà nước ta tham gia. CPTPP có 11 nước thành viên với tổng giá trị GDP khoảng 10.000 tỉ USD, chiếm 13% GDP toàn cầu. Việc tham gia CPTPP giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ về đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; đồng thời tạo cơ hội thúc đẩy kinh tế đối ngoại và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường tại Việt Nam.
Năm 2018 chứng kiến sự vào cuộc sâu rộng và quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác hội nhập. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, việc triển khai công tác hội nhập, liên kết kinh tế còn một số tồn tại. Một số địa phương vẫn lúng túng trong triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Năng lực hội nhập, bao gồm năng lực giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế còn bất cập. Công tác thông tin, truyền thông về hội nhập, liên kết kinh tế có nơi, có lúc còn chưa kịp thời và đồng bộ. Mức độ nắm bắt của cộng đồng doanh nghiệp về đặc điểm thị trường, nội luật của các nước cũng như những cam kết cụ thể trong các FTA mà Việt Nam tham gia còn hạn chế.
Giai đoạn bản lề
Giai đoạn 2019-2020 đánh dấu việc Việt Nam chính thức triển khai các FTA thế hệ mới, trong đó CPTPP có hiệu lực với nước ta từ ngày 14-1-2019. Đây cũng là giai đoạn Việt Nam hoàn thành các cam kết trong nhiều khuôn khổ hợp tác kinh tế quan trọng như FTA ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và FTA ASEAN - Hồng Kông (AKFTA); hoàn tất các mục tiêu Bogor và thông qua tầm nhìn APEC sau năm 2020; đảm nhiệm cương vị nước Chủ tịch ASEAN năm 2020. Việc triển khai hiệu quả công tác hội nhập, liên kết kinh tế tiếp tục đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực đồng bộ của các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó lưu ý một số vấn đề:
Một là, phát huy vai trò thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; chủ động đóng góp, tích cực tham gia xây dựng, định hình các thể chế đa phương, các diễn đàn kinh tế có tầm quan trọng, phù hợp khả năng và điều kiện cụ thể của Việt Nam, trong đó cần chú trọng nâng cao hiệu quả tham gia các diễn đàn kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương.
Hai là, hoàn thiện chính sách, khung khổ pháp lý đồng bộ và toàn diện với tầm nhìn dài hạn nhằm triển khai hiệu quả các cam kết quốc tế của Việt Nam. Trong đó, chú trọng sửa đổi, bổ sung và ban hành mới văn bản, quy định pháp luật liên quan đến các cam kết của Việt Nam trong các FTA thế hệ mới như CPTPP, bao gồm lĩnh vực sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động...
Ba là, nâng cao năng lực hội nhập và liên kết kinh tế. Trước mắt, các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần có phương án, giải pháp khai thác tối đa lợi thế của các FTA, hướng tới mở rộng thị phần tại những ngành hàng xuất khẩu Việt Nam có thế mạnh, đem lại giá trị gia tăng cao và xác lập chỗ đứng vững chắc trong các chuỗi cung ứng, mạng sản xuất khu vực và toàn cầu.
Bốn là, đẩy mạnh phổ biến thông tin về thuận lợi và thách thức, nội dung các cam kết có tác động trực tiếp đến địa phương và doanh nghiệp trong các FTA thế hệ mới liên quan đến mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ, lao động… Các bộ, ngành hữu quan cần làm tốt vai trò thông tin, cảnh báo sớm cho địa phương và doanh nghiệp về những điều chỉnh chính sách của các nước có khả năng tác động tiêu cực tới các lĩnh vực kinh tế đối ngoại của Việt Nam.
Năm là, nâng cao hiệu quả cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế và phòng vệ thương mại. Các cơ quan hữu quan cần theo sát tiến trình cải tổ WTO, nhất là liên quan đến hoạt động của cơ chế giải quyết tranh chấp, để kịp thời có tiếng nói bảo đảm lợi ích của Việt Nam tại WTO.
Với quyết tâm và nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, chúng ta tin tưởng tiến trình hội nhập, liên kết kinh tế sẽ tiếp tục đem lại những hiệu ứng tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng,Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh:
Vững vàng ra biển lớn!
Hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, thể hiện rõ tâm thế chủ động, tích cực, sáng tạo. Giữa những cơn gió ngược từ trào lưu bảo hộ thương mại, con thuyền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng tiến ra biển lớn. Cùng 10 quốc gia thành viên khác, Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và là một trong 7 nước phê chuẩn hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên trên thế giới, qua đó khẳng định vai trò là một mắt xích trong các liên kết kinh tế quan trọng ở khu vực. Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đang hoàn tất các bước kỹ thuật cuối cùng để ký chính thức và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Dự báo khi đi vào triển khai, CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,7% đến năm 2035 và giúp đưa 600.000 người thoát nghèo đến năm 2030 ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày, qua đó đóng góp thiết thực vào việc hướng tới thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG
Bình luận (0)