xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dấu ấn ngoại giao nổi bật trong "năm Covid" 2020

D.Ngọc

(NLĐO)- Hai tiếng "Việt Nam" đã được nhắc đến nhiều trên các diễn đàn quốc tế trong năm qua, khi ngoại giao Việt Nam để lại nhiều dấu ấn trong một năm sóng gió.

Năm 2020 vừa qua đi với nhiều biến động to lớn, chưa từng có, với hệ lụy và tác động đa chiều, đa lĩnh vực, ở tầm toàn cầu và có thể còn kéo dài trong nhiều năm tới. Đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng, sâu rộng đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở mỗi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn quyết liệt chưa từng có kể từ sau chiến tranh lạnh. Tình hình Biển Đông có nhiều phức tạp mới, tiềm ẩn nguy cơ đối với hòa bình, ổn định ở khu vực.

Trong bối cảnh đó, đối ngoại Việt Nam năm 2020 đã vượt qua nhiều thách thức, tạo ra những cơ hội hợp tác mới, góp phần cùng cả nước khắc phục khó khăn và tiếp tục phát triển với nhiều dấu mốc đáng ghi nhớ.

Dấu ấn tháng 1: Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc

Tháng 1-2020, ngay tháng đầu tiên làm thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ), Việt Nam đã đóng vai trò là Chủ tịch HĐBA LHQ. Việt Nam đã phát huy tốt vai trò này, kết hợp được với vai trò Chủ tịch ASEAN, đưa vào 2 nội dung hết sức quan trọng. Đó là tổ chức được phiên họp mở của HĐBA LHQ về việc tăng cường thực thi Hiến chương LHQ với sự tham gia đông đảo nhất trong vài năm qua tại HĐBA LHQ vào ngày 9-1-2020, tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc (New York, Mỹ). Qua đó thể hiện mong muốn chung về việc HĐBA và các nước thành viên LHQ đều phải tôn trọng Hiến chương LHQ, đề cao vai trò luật pháp quốc tế trong việc xử lý các vấn đề.

Dấu ấn ngoại giao nổi bật trong năm Covid 2020 - Ảnh 1.

Ngày 9-1-2020, tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc (New York, Mỹ), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chủ trì phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Kỷ niệm 75 năm LHQ: Tuân thủ Hiến chương để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tại phiên thảo luận mở do Việt Nam tổ chức - Ảnh: UN

Việt Nam đã thúc đẩy hợp tác giữa HĐBA LHQ với ASEAN. Ngày 30-1-2020, tại New York, HĐBA đã tổ chức phiên thảo luận về quan hệ hợp tác giữa LHQ và ASEAN trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế dưới sự chủ trì của Việt Nam, Chủ tịch HĐBA tháng 1-2020. Đây là lần đầu tiên có một cuộc họp về hợp tác giữa LHQ và ASEAN tại HĐBA, cũng là lần đầu tiên chúng ta nêu cao được sự hợp tác giữa HĐBA với một tổ chức khu vực là ASEAN, qua HĐBA nâng tầm ASEAN và qua ASEAN cụ thể hoá nhiều nội dung hợp tác ở cấp độ toàn cầu.

Trên 33 cuộc điện đàm của lãnh đạo cấp cao

Trong năm 2020, nhiều chuyến thăm của nguyên thủ các nước đến Việt Nam cũng như Việt Nam đến các nước chưa tổ chức được do dịch Covid-19 (hàng năm, trung bình có khoảng 10-20 chuyến thăm của các nước đến Việt Nam cũng như Việt Nam ra các nước). Tuy nhiên, chúng ta đã duy trì được quan hệ với các đối tác qua chuyển đổi hình thức, tăng cường trao đổi bằng điện đàm, bằng trực tuyến với lãnh đạo cấp cao của các nước. Đã có trên 33 cuộc điện đàm của lãnh đạo cấp cao ta (từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng đến Chủ tịch Quốc hội và các cấp khác) với lãnh đạo của hầu hết các nước quan trọng trên thế giới cũng như trong khu vực.

Dấu ấn ngoại giao nổi bật trong năm Covid 2020 - Ảnh 2.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng điện đàm trực tiếp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 29-9 - Ảnh: TTXVN

Dấu ấn ngoại giao nổi bật trong năm Covid 2020 - Ảnh 3.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm

Trong các cuộc điện đàm, các nội dung về tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước vẫn được triển khai và chúng ta vẫn duy trì được quan hệ với tất cả các đối tác quan trọng.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36

Ngày 26-6-2020, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội. Đây là Hội nghị Cấp cao thường kỳ của ASEAN được tổ chức trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử 53 năm qua của ASEAN, với sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo cấp cao 10 nước thành viên ASEAN, Tổng thư ký ASEAN, đại diện đoàn ngoại giao các nước…

Dấu ấn ngoại giao nổi bật trong năm Covid 2020 - Ảnh 4.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36

Dấu ấn ngoại giao nổi bật trong năm Covid 2020 - Ảnh 5.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, các Nhà Lãnh đạo đã công bố Tuyên bố Chủ tịch về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, thông qua Tuyên bố "Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng" và Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới công việc đang đổi thay và ghi nhận 9 văn kiện khác.

Tổ chức thành công AIPA 41

Từ ngày 8-9 đến 10-9, tại Hà Nội, Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41) do Quốc hội Việt Nam tổ chức đã diễn ra với chủ đề "Ngoại giao nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng". Lần đầu tiên tổ chức theo hình thức trực tuyến, có trên 380 đại biểu dự AIPA 41 tại 43 điểm cầu, trong đó có 10 lãnh đạo nghị viện của 10 nghị viện thành viên, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc…

Dấu ấn ngoại giao nổi bật trong năm Covid 2020 - Ảnh 6.

Các đại biểu tại phiên khai mạc AIPA 41 ở Trung tâm Hội nghị quốc tế, TP Hà Nội - Ảnh: Quang Hiếu

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thăm Việt Nam

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Phu nhân Suga Mariko đã thăm Việt Nam từ ngày 18 đến 20-10. Việt Nam là nước Thủ tướng Suga Yoshihide đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức, thể hiện sự coi trọng đặc biệt đối với Việt Nam và quan hệ hai nước.

Dấu ấn ngoại giao nổi bật trong năm Covid 2020 - Ảnh 7.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: Ngô Nhung

Trong thời gian ở Việt Nam, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã có nhiều hoạt động quan trọng như: Hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; chào Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; tiếp xã giao Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt - Nhật Phạm Minh Chính, đến thăm Đại học Việt – Nhật và trò chuyện với sinh viên…

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 cùng các hội nghị với các đối tác đối thoại chủ chốt từ ngày 12-11 đến 15-11 đã thúc đẩy thông qua nhiều văn kiện, trong đó có trên 80 văn kiện tại các Hội nghị Cấp cao, trong tất cả các lĩnh vực quan trọng, nhất là xây dựng Cộng đồng và định hướng xây dựng tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, phòng chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế, bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển, thượng tôn pháp luật ở khu vực.

Dấu ấn ngoại giao nổi bật trong năm Covid 2020 - Ảnh 8.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37

Dấu ấn ngoại giao nổi bật trong năm Covid 2020 - Ảnh 9.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), trong khuôn khổ chương trình Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị cấp cao liên quan, ngày 15-11-2020 tại Hà Nội.

Đặc biệt, trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ ký kết trực tuyến Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

ASEAN tiếp tục giữ vai trò trung tâm ở khu vực, được các nước coi trọng.

Thế giới có Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh do Việt Nam đề xuất

Đại hội đồng LHQ ngày 7-12 đã thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết A/RES/75/27 thành lập Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh vào ngày 27-12 hàng năm (ngày sinh của Nhà bác học Louis Pasteur). Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng LHQ trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công tại Đại hội đồng LHQ với số nước đồng bảo trợ kỷ lục 112 nước.

Dấu ấn ngoại giao nổi bật trong năm Covid 2020 - Ảnh 10.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ, phát biểu giới thiệu Nghị quyết tại Đại hội đồng LHQ

Thúc đẩy các FTA

Trong năm 2020, hội nhập kinh tế quốc tế vẫn đạt được những tiến triển có tính đột phá, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Bên cạnh thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA, có hiệu lực từ tháng 8-2020) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) với Liên minh Châu Âu, thúc đẩy ký FTA với Anh và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, góp phần quan trọng để Việt Nam duy trì tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Trong 11 tháng đầu năm 2020 giá trị xuất khẩu của Việt Nam tăng 5,3%. Nhiều doanh nghiệp đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, kinh doanh.

Biên giới lãnh thổ, vấn đề Biển Đông

Thứ tư, công tác biên giới lãnh thổ có nhiều kết quả tích cực. Việt Nam và Campuchia đã trao đổi văn kiện phê chuẩn 2 văn kiện pháp lý công nhận 84% thành quả phân giới cắm mốc, chính thức đưa các văn kiện này có hiệu lực. Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 20 năm ký Hiệp ước biên giới trên đất liền và 10 năm thực hiện 03 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền. Đây là những thành quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần cùng các nước láng giềng xây dựng đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Dấu ấn ngoại giao nổi bật trong năm Covid 2020 - Ảnh 11.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao văn kiện phê chuẩn cho Đại sứ Campuchia tại Việt Nam - Ảnh: Bộ Ngoại giao

Chúng ta đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền ở Biển Đông; gửi công hàm tới Liên Hiệp Quốc khẳng định rõ lập trường của ta; chủ động, tích cực cùng các nước ASEAN và các đối tác liên quan thúc đẩy hòa bình, hợp tác, thượng tôn pháp luật, giải quyết hòa bình tranh chấp trên biển. ASEAN tiếp tục khẳng định lập trường nguyên tắc về Biển Đông trong các văn kiện liên quan của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, nhấn mạnh Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là cơ sở xác định các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên và là khuôn khổ điều chỉnh các hoạt động trên biển. ASEAN cũng thể hiện rõ quyết tâm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.

Bảo hộ công dân trên phạm vi rộng chưa từng có

Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân Việt Nam đã được triển khai kịp thời; hỗ trợ hiệu quả kiều bào ta ở nước ngoài vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Dù khó khăn do đại dịch, song kiều bào tiếp tục hướng về đất nước, đóng góp xây dựng quê hương bằng nhiều hình thức phong phú.

Dấu ấn ngoại giao nổi bật trong năm Covid 2020 - Ảnh 12.

Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tại sân bay trong hoạt động đưa bà con người Việt gặp khó khăn về nước

Ta đã triển khai công tác bảo hộ công dân trên phạm vi rộng chưa từng có, tổ chức hơn 280 chuyến bay, đưa gần 80.000 công dân từ hơn 59 quốc gia/vùng lãnh thổ về nước an toàn; đồng thời tiếp tục tiến hành công tác bảo hộ đối với ngư dân và tàu cá của ta ở nước ngoài.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo