Tối muộn 8-9 (giờ Việt Nam), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm với Chủ tịch Nghị viện Châu Âu (EP) David Sasoli.
Chủ tịch EP David Sassoli vui mừng chào đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã chọn Nghị viện Châu Âu là điểm đến trong chuyến công tác đầu tiên trong nhiệm kỳ mới.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam hội đàm với Chủ tịch Nghị viện châu Âu - Ảnh: Doãn Tấn
Ông David Sassoli đánh giá cao vai trò của Việt Nam ở khu vực, nhấn mạnh Nghị viện châu Âu và Việt Nam chia sẻ lợi ích trong nhiều lĩnh vực và mong muốn cùng Việt Nam tăng cường hợp tác mọi mặt như thương mại và đầu tư, phòng chống dịch bệnh Covid-19...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn Chủ tịch EP đã dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, thân tình; khẳng định EU là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao; ký và triển khai hiệu quả nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng (PCA, EVFTA, FPA, FLEGT), duy trì các cơ chế hợp tác và đối thoại định kỳ, góp phần đưa quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU lên một tầm cao mới, trong đó có hợp tác giữa quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Nghị viện Châu Âu David Sasoli
Tại hội đàm, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn EP có tiếng nói để nghị viện các nước chưa phê chuẩn EVIPA sớm phê chuẩn hiệp định quan trọng này nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư, đáp ứng nhu cầu và lợi ích của doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục tạo điều kiện để thực thi Hiệp định EVFTA một cách hiệu quả nhất.
Đáng chú ý, về hợp tác chống Covid-19, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cảm ơn EP, đại diện các cơ quan hữu quan của EU và các nhóm Nghị sĩ tại EP đã đồng hành, ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam phòng chống dịch; chia sẻ quan điểm của Nghị viện Châu Âu rằng "chỉ có đoàn kết, sẻ chia và niềm tin quyết thắng" sẽ giúp nhân dân sớm khắc phục hậu quả dịch bệnh và trở lại cuộc sống bình thường mới.
Đặc biệt do Covid-19 ngày càng phức tạp, đòi hỏi tăng cường hợp tác liên khu vực (ASEAN – EU) và toàn cầu để tiếp tục bảo vệ các thành quả phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng bày tỏ mong muốn EP tích cực hỗ trợ nguồn cung vắc-xin từ châu Âu, qua cơ chế COVAX, chia sẻ vắc-xin "dôi dư", hỗ trợ cung cấp vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu, thuốc điều trị Covid-19, hợp tác sản xuất vắc-xin. Việt Nam sẵn sàng chuẩn bị mọi mặt để có thể trở thành trung tâm sản xuất vắc-xin ở khu vực.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị EP ủng hộ gỡ "thẻ vàng" IUU đối với khai thác thủy sản của Việt Nam, giúp bảo đảm sinh kế của ngư dân Việt Nam; khẳng định Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để khắc phục và đã đạt những kết quả rất tích cực.
Chủ tịch EP David Sassoli ghi nhận các đề xuất của phía Việt Nam và khẳng định EVFTA là mô hình hợp tác mẫu mực và cho biết EP đã thông qua Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA và đang thúc đẩy Nghị viện các quốc gia thành viên còn lại phê chuẩn.
EP chia sẻ những khó khăn của Việt Nam hiện nay và sẽ nỗ lực vận động vắc-xin cùng các trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống Covid 19 của Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Trong bối cảnh đại dịch, hai bên vẫn duy trì tiếp xúc thông qua hình thức trực tuyến với các cuộc họp trao đổi về triển khai EVFTA và các vấn đề quốc tế.
Về các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh và hợp tác trên thế giới, Quốc hội Việt Nam và EP nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 trong giải quyết các tranh chấp và duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không; nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ và đóng góp tích cực cho các diễn đàn đa phương khu vực và thế giới.
Ngay sau hội đàm, Chủ tịch Quốc hội đã tiếp Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của EP (INTA), Đoàn Nghị sĩ phụ trách quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và ASEAN (DASE) và Nhóm nghị sĩ hữu nghị EP. Hai bên trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực cùng quan tâm, trong đó có thương mại và triển khai Hiệp định EVFTA.
Đề nghị Exonmobil và PVN đưa dòng khí đầu tiên vào bờ vào năm 2024
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp đại diện một số tập đoàn kinh tế đến chào.
Tại cuộc tiếp, đại diện tập đoàn Exonmobil - ông Perer Lavoy, Giám đốc cấp cao khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực của tập đoàn trong việc triển khai và hoàn tất việc ký kết thỏa thuận nguyên tắc về bảo lãnh và cam kết của Chính phủ.
Trong nỗ lực tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí với Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao dự án Cá Voi xanh với tổng vốn đầu tư đạt 20 tỉ USD để sản xuất khí tự nhiên ngoài khơi tại miền Trung Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh, năng lượng quốc gia, là điều kiện quan trọng để Việt Nam xây dựng và vận hành các nhà máy điện khí tại khu vực miền Trung; đồng thời đề nghị Exonmobil và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tiếp tục phối hợp chặt chẽ để duy trì đúng tiến độ, đưa dòng khí đầu tiên vào bờ vào năm 2024.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Exonmobil sớm khởi động lại kế hoạch để đưa dự án trở lại Việt Nam trong thời gian sớm nhất sau dịch bệnh.
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm hiện nay dự thảo Sơ đồ điện VIII đã xem xét đề xuất phát triển một số dự án điện khí hóa lỏng LNG tại miền Bắc, trong đó có tại Hải Phòng và ghi nhận, bày tỏ ủng hộ Exonmobile xây dựng nhà máy điện LNG tại thành phố cảng này.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Exonmobil với vai trò là doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ, có thêm tiếng nói tác động tới Chính phủ Mỹ hỗ trợ vắc-xin cho Việt Nam, hoặc nhượng lại số vắc-xin dôi dư, giúp Việt Nam để đẩy mạnh công tác phòng dịch trong đó có các công nhân của các khu công nghiệp để đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất.
Chủ tịch Quốc hội tặng quà lãnh đạo các tập đoàn
Tiếp ông Fabien De Jonge, thành viên Hội đồng quản trị của Công ty Infra Asia Investment (IAI) - Công ty đã đầu tư các khu công nghiệp tại Hải Phòng và Quảng Ninh với số vốn 1,2 tỉ USD và hiện đang có định hướng mở rộng hoạt động đầu tư trong một số lĩnh vực năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời. Công ty kiến nghị gặp khó khăn trong triển khai dự án hạ tầng khu công nghiệp và cảng Nam Tiền Phong do diện tích đất chồng lấn giữa hai địa phương.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và nhà đầu tư cần sớm bàn bạc tìm ra cách thức giải quyết phù hợp và đúng quy định; đề nghị TP Hải Phòng và nhà đầu tư cùng bàn bạc thống nhất trên tinh thần khả thi, đảm bảo đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn với đề xuất giữ lại thị trấn Cát Hải, Hải Phòng làm khu đô thị, cung cấp dịch vụ xã hội cho khu công nghiệp. Tại cuộc tiếp, lãnh đạo TP Hải Phòng cũng đã báo cáo thêm một số vấn đề liên quan đến nội dung này.
Tiếp ông Eddy Bruyninckx, đại diện Công ty Smart Universal Logistics, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao các dự án hoạt động hiệu quả của IPEI tại Việt Nam, đặc biệt là hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh tại các Khu công nghiệp ở Hải Phòng và Quảng Ninh.
Cho rằng, dự án trung tâm Logistics Cái Mép Hạ (Vũng Tàu) có thể được coi là dự án "mẫu " trong thể hiện vai trò của IPEI và sự hợp tác của các đối tác có năng lực của châu Âu. Chủ tịch Quốc hội đề nghị IPEI và các đối tác trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để được hướng dẫn và thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Tại cuộc tiếp, các nhà đầu tư nước ngoài đều bày tỏ cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã dành thời gian tiếp, đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam về phát triển kinh tế, xã hội và phòng chống dịch Covid-19 và sự chủ động của Chủ tịch Quốc hội khi trực tiếp yêu cầu các Bộ trưởng và lãnh đạo địa phương trả lời, giải đáp và có những trao đổi và đề xuất với Chính phủ nhằm sớm xem xét giải quyết vướng mắc cho các nhà đầu tư.
Bình luận (0)