Sau khai mạc và phiên toàn thể, Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tiếp tục diễn ra tại Thủ đô Vienna, Cộng hòa Áo theo đúng nghị sự với các phiên thảo luận chuyên đề vào tối 7-9.
Hội nghị WCSP5 diễn ra tại Thủ đô Vienna, Cộng hòa Áo - Ảnh: Doãn Tấn
Về chuyên đề "Phục hồi sau đại dịch: Chuyển đổi nền kinh tế để chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có phát biểu trực tiếp tại hội nghị, nêu rõ thế giới hiện đang phải ứng phó với "thách thức kép" là vừa chống dịch Covid-19 vừa tìm cách phục hồi từ sự tàn phá của đại dịch… Ông nhấn mạnh, Việt Nam đang ưu tiên huy động các nguồn lực, sự chung tay hành động của mọi người dân, kiên quyết thực hiện nhiều biện pháp mạnh trong phòng, chống Covid-19 nhằm thực hiện mục tiêu kép.
Chủ tịch Quốc hội kiến nghị các nghị sĩ/đại biểu Quốc hội cần ủng hộ, đồng hành và thúc đẩy Chính phủ hành động mạnh mẽ, tăng cường rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, hỗ trợ, giám sát phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác nghị viện nhằm chia sẻ kinh nghiệm cùng ngăn chặn đại dịch Covid-19, hỗ trợ cung cấp vắc-xin, hợp tác sản xuất vắc-xin, nâng cao năng lực y tế công cộng, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì sản xuất, ổn định chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi tới hội nghị hai bài phát biểu cho các chuyên đề khác nhau.
Chủ tịch Quốc hội kiến nghị, các đại biểu Quốc hội hợp tác, hỗ trợ cung cấp vắc-xin
Đối với chuyên đề "Ứng phó với đại dịch Covid-19 và thách thức đối với cơ chế hợp tác đa phương trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh vai trò của các tổ chức đa phương trong kết nối hành động nhằm bảo vệ tính mạng và quyền lợi của người dân "trong khó khăn thách thức, càng sáng lên tình đoàn kết, hữu nghị ấm áp được sẻ chia", hợp tác quốc tế thông qua các cơ chế hợp tác đa phương đi đầu là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với Chương trình tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó Covid-19 (ACT) và Chương trình hợp tác toàn cầu về vắc xin COVAX cùng nhau vượt qua đại dịch.
"Việt Nam đã hợp tác, chia sẻ nguồn lực với các nước đồng thời nhận được nhiều sự giúp đỡ quý báu, kịp thời của nhân dân, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế về trang thiết bị, vật tư y tế, san sẻ nguồn vắc-xin phòng chống Covid-19"- Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
Chủ tịch Quốc hội kêu gọi trong bối cảnh các thách thức toàn cầu đòi hỏi hành động mang tầm chiến lược toàn cầu, các quốc gia, cần phối hợp hành động, đóng góp nguồn lực của mình, ủng hộ và làm sống động chủ nghĩa đa phương để chiến thắng đại dịch Covid-19.
"Tầm quan trọng của đổi mới, nâng cao hiệu quả hợp tác đa phương là để đẩy nhanh tiến độ phòng, chống dịch bệnh, thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin, bảo đảm tất cả các quốc gia đều có thể tiếp cận công bằng, bình đẳng các nguồn cung vắc-xin nhanh chóng, kịp thời với giá cả hợp lý; chia sẻ công nghệ, hợp tác sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị…"- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Về chuyên đề "Giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam trong đó nhấn mạnh phương châm "lấy dân làm gốc" là kim chỉ nam cho mọi chính sách, hành động, "là nhiệm vụ khắc sâu vào tâm trí của mỗi đại biểu Quốc hội".
Trên tinh thần đó, Quốc hội Việt Nam đã tham gia ngay từ đầu với vai trò nòng cốt trong Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, kịp thời thông qua và triển khai nhiều quyết định về nguồn lực, ngân sách quốc gia và nhiều biện pháp chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nghèo… nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa tập trung chống dịch, vừa duy trì phát triển kinh tế. "Việt Nam ưu tiên bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân dù phải hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt; mọi người dân được hỗ trợ bảo đảm đời sống, chăm sóc y tế, tiếp cận vắc-xin công bằng..."- ông Vương Đình Huệ khẳng định.
Để giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các Nghị viện cần có vai trò dẫn dắt quan trọng trong việc đặt người dân vào trung tâm của mọi quyết sách, đoàn kết dân tộc, phát huy nội lực, sức sáng tạo của mọi người dân, doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch Quốc hội, do "giãn cách" trong phòng chống dịch, cần phát huy công nghệ thông tin, chuyển đổi kinh tế số, mở rộng việc số hóa việc trao đổi thông tin và tương tác của cử tri với các nghị sĩ, giúp người dân tích cực tham gia vào các hoạt động Nhà nước.
Bình luận (0)