Trao đổi về những bài học về đổi mới tư duy đối ngoại tại Hội thảo khoa học: "75 năm Ngoại giao Việt Nam: Bài học kinh nghiệm và định hướng" diễn ra gần đây, ông Nguyễn Dy Niên - nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - đã chia sẻ những câu chuyện về con đường gian khổ xây dựng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá.
Ông Nguyễn Dy Niên - nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Nhìn lại con đường gian khó mà đầy tự hào của quá trình đổi mới tư duy đối ngoại, ông Nguyễn Dy Niên đánh giá Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 là bước ngoặt trong tư duy của người Cộng sản Việt Nam. "Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật" cả là sự dũng cảm và thực sự cầu thị của Đảng. Điều đó bắt nguồn từ tư duy sáng tạo của Bác Hồ để lại cho con cháu đời sau. Càng suy ngẫm càng thấy tư tưởng Hồ Chí Minh thật vĩ đại! Thật phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam! Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói: "Làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì thắng lợi, đi chệch con đường đó thì gặp khó khăn và dẫn đến thất bại". Ở nước ta, đổi mới tư duy bước đầu đột phá vào lĩnh vực kinh tế vì đây là khâu yếu nhất, bức xúc nhất. Tuy vậy, đổi mới tư duy về đối ngoại đã được đề cập rất sớm vì yêu cầu khách quan và vì quan hệ quốc tế luôn phải gắn liền với những gì đang diễn ra bên trong đất nước. Cũng giống như đổi mới tư duy trong kinh tế và các lĩnh vực khác, đổi mới tư duy đối ngoại là cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới.
Nhiều khái niệm phải soi xét và lật ngược lại. Khái niệm bạn-thù cũng phải sửa. Nhiều điểm kiêng kị, né tránh trước đây cũng phải xem xét lại. Khẩu hiệu"phải đặt lợi ích quốc gia trước hết và trên hết", điều mà chúng ta trước đây không nhắc tới vì ngại ảnh hưởng đến tinh thần quốc tế vô sản, ngại sa vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Nhiều giá trị của trí tuệ nhân loại mà lâu nay né tránh nay đã được phục hồi. Ngay cả câu nói quen thuộc được đúc kết trong quan hệ quốc tế như "không có bạn vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn" đã được nhìn nhận lại và còn nhiều điều khác nữa cũng được điều chỉnh.
Trong thời kỳ giao thoa giữa nhận thức cũ và mới, ông Nguyễn Dy Niên tham gia lãnh đạo Bộ, Trợ lý Bộ trưởng (1984), Thứ trưởng (1987) làm việc dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Ông Nguyễn Cơ Thạch rất quan tâm đến công tác nghiên cứu và rất nhạy cảm với cái mới. Để tập trung cho công tác nghiên cứu, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cho lập một cái "phễu" trong lãnh đạo Bộ do một vị Thứ trưởng phụ trách xử lý tất cả những công việc hàng ngày để các lãnh đạo Bộ khác tập trung nghiên cứu (nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, lúc đó là một trong những "cái phễu" ấy). Những vấn đề có tính chiến lược như quan hệ giữa các nước lớn và chiến lược của các nước lớn, giải pháp cho vấn đề Campuchia, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và dự thảo nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, bình thường hóa quan hệ với Mỹ và vấn đề nhân quyền, cải thiện quan hệ với các nước Đông Nam Á và việc gia nhập ASEAN... đã được triển khai rất khẩn trương. Mô hình này sau phải điều chỉnh và "cái phễu" quá tải nhưng vấn đề nghiên cứu chiến lược mà trong đó đổi mới tư duy đối ngoại được vận dụng hiệu quả vẫn hết sức tập trung. Nhờ những cố gắng đó mà Ngoại giao đã góp phần tích cực vào việc xử lý những vấn đề quốc tế quan trọng trực tiếp đến ta.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đánh giá một vị lãnh đạo có công rất lớn làm thay đổi tình thế, đưa đến những tư duy mới ở Việt Nam là Cố Tổng Bí thư Trường Chinh - Ảnh: Chủ tịch Fidel Castro đón Tổng Bí thư Trường Chinh sang thăm chính thức Cuba - Nguồn: TTXVN
"Tuy vậy, để đạt được điều đó rất gian truân vất vả, nhất là ở thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới. Có những lúc đồng chí Nguyễn Cơ Thạch và chúng tôi mất ăn mất ngủ và có cảm giác như mình đang húc đầu vào tường"- ông Nguyễn Dy Niên chia sẻ.
Ông đánh giá Đại hội VI của Đảng năm 1986 đã đề ra đường lối Đổi mới đi trước một bước rất chính xác, rất kịp thời: "Đổi mới tư duy đối ngoại bắt nguồn từ đổi mới tư duy của Đảng. Đại hội VI có thể xem như một cuộc cách mạng thứ hai của Đảng. Đối với người cộng sản Việt Nam, đây là một chương mới để chúng ta bước tiếp trong giai đoạn tiếp theo. Và ngay bây giờ, chúng ta đang đi tiếp những tư duy đó".
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng chủ trương của Đảng đúng đắn như vậy, nhạy bén như vậy nhưng việc triển khai thực hiện trên thực tế thì còn có lúc chậm chạp.
Tư duy cũ còn là rào cản cho những bước đi cần thiết trong việc tạo dựng các mối quan hệ mới, có nhiều trường hợp quá dè dặt, quá thận trọng mà để mất thời cơ vàng mà lý ra chúng ta có thể đi nhanh hơn, tạo thế và lực tốt hơn cho đất nước. Quan hệ song phương đã khó, vấn đề hội nhập khu vực và quốc tế còn khó hơn. Chúng ta lo ngại hội nhập có mặt trái làm xói mà chủ nghĩa xã hội và làm suy yếu độc lập và chủ quyền quốc gia. Để xua đi những tư duy như vậy không phải là dễ.
Những người trong ngành ngoại giao trong thời kỳ này đã mừng vô cùng, vì khi thế giới đang có những bước phát triển như vậy, có nhiều thông tin, nhiều chiều hướng mới, làm thế nào để truyền đạt được cho bên trong thấy sự phát triển của bên ngoài. Tuy nhiên, thời điểm đó nhận thức chung về thế giới trong nội bộ của chúng ta không đồng đều, trong các vấn đề đối ngoại nhiều khi chúng ta chưa có tiếng nói chung. Thời gian đó, ngoại giao, quốc phòng, an ninh đôi khi có những ý kiến khác chiều nhau.
Nhìn lại lịch sử ngoại giao, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho rằng một vị lãnh đạo có công rất lớn làm thay đổi tình thế này, đưa đến những tư duy mới ở Việt Nam là Cố Tổng Bí thư Trường Chinh: "Tôi có vinh dự được vài lần tiếp xúc với đồng chí, tôi thấy đó là một con người kiên định với đường lối Cộng sản, XHCN nhưng đến lúc nhìn thấy sự thật, nhìn thấy phải thay đổi, thấy cần có bước đi đúng đắn kết hợp tinh hoa tư tưởng và những tình hình mới phục vụ đổi mới đất nước. Chúng ta đã đề cập tới nhưng chưa thực sự xứng tầm với đóng góp to lớn của đồng chí Trường Chinh".
Ông cũng cho rằng để đổi mới, cần phải có sự dũng cảm. Làm công tác đối ngoại, muốn đứng mũi chịu sào, đề xuất những cái mới lại càng phải có lòng dũng cảm, không rụt rè được.
"Bản thân tôi cũng có những lúc rụt rè. Khi đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí Thư, tôi là thứ trưởng có gọi sang nhà riêng hỏi về đổi mới như thế nào. Đồng chí tự tay khoá cửa nói: Hiện còn tôi và đồng chí, có gì cứ nói. Tuy nhiên, lúc đó tôi còn rụt rè"- nguyên Bộ trưởng Ngoại giao hồi tưởng. Từ đó, ông càng nhấn mạnh phải có lòng dũng cảm mới có tư duy mới, đặc biệt là tư duy đối ngoại mới được. Đồng thời, muốn có đề xuất mới phải tỉnh táo, nếu không dễ chệch hướng. Đồng thời, phải hết sức có tinh thần trách nhiệm với những đề xuất, kiến nghị của mình.
"Sự nghiệp đổi mới của Đảng còn tiếp tục. Cuộc sống đòi hỏi như vậy. Trên thế giới chưa có mô hình nào xây dựng CNXH thành công để chúng ta tham khảo. Vì vậy, chúng ta phải vừa đi vừa dò đường đòi hỏi phải có trí tuệ, tầm nhìn xa, tư duy sáng tạo. Chúng ta phải học tập nhuần nhuyễn tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là bảo bối "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Chỉ có đổi mới tư duy mới "vạn biến" được. Có như vậy, chúng ta mới sớm xây dựng được một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh"- nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên chia sẻ.
Bình luận (0)